Cỏ vetiver có khả năng làm giảm nhẹ ô nhiễm dioxin

15

Ô nhiễm dioxin từ chất diệt cỏ trong chiến tranh Việt Nam đã kéo dài nhiều năm và đang tìm nhiều cách để xử lý như phương pháp vật lý, hóa học, sinh học… Một nhóm nhà khoa học tại Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã bước đầu ghi nhận cỏ vetiver có khả năng chống lan tỏa dioxin ra vùng đất xung quanh, làm giảm nhẹ ô nhiễm dioxin trong các vùng đất do hậu quả chiến tranh để lại.

* “Cỏ thần kỳ” Vetiver giải quyết ô nhiễm đất

Việt Nam là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm dioxin do việc sử dụng rộng rãi “chất độc da cam” làm thuốc diệt cỏ trong những năm chiến tranh (1961-1971). Khu vực bị ô nhiễm nặng nề nhất ở Việt Nam nằm tại các khu căn cứ không quân nơi mà một lượng lớn chất độc màu da cam được lưu trữ hay xử lý. Những khu vực này ngày nay vẫn là nơi để lại những rủi ro lớn tới môi trường và sức khỏe con người.

Theo TS. Ngô Thị Thúy Hường, Phó Giám đốc Trung tâm Kasrt và Di sản địa chất (thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), hiện tại vẫn chưa có công nghệ thực vật xử lý môi trường (phytoremediation) mang tính hiệu quả cao, giá thành thấp, được nghiên cứu và phát triển nhằm mục đích cố định, giảm thiểu và phục hồi diện tích lớn đất đai bị ô nhiễm dioxin mức thấp đến trung bình.

Năm 2014, nhóm nghiên cứu của TS. Ngô Thị Thúy Hường bắt đầu nghiên cứu khả năng giảm nhẹ chất dioxin từ cỏ vetiver. Đây là dự án cấp Bộ TN&MT sử dụng nguồn vốn Nhà nước.

TS. Ngô Thị Thúy Hường giới thiệu về tác dụng của cỏ vetiver trong giảm nhẹ ô nhiễm dioxin

Cỏ Vetiver được giới khoa học xem như “cỏ thần kỳ” có thể thích nghi với đất có độ chua, độ mặn, độ phèn cao. Cỏ có bộ rễ lớn nhưng các sợi rễ lại rất nhỏ và mịn (đường kính trung bình chỉ khoảng 0,5-1,0mm) rất thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn và nấm, là điều kiện cần thiết để hấp thụ và phân hủy các chất gây ô nhiễm.Cỏ Vetiver có thể được ứng dụng trong nhiều mục đích như: chống sạt lở các công trình giao thông, xây dựng; giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng…, đặc biệt là cỏ Vetiver được sử dụng trong việc xử lý ô nhiễm đất, xử lý nước thải và bảo vệ môi trường.

Dự án đã đạt được kết quả khả quan và có nhiều triển vọng khi bước đầu có thể chứng minh được cỏ vetiver có khả năng chống lan tỏa dioxin ra vùng đất xung quanh, làm giảm nhẹ ô nhiễm dioxin trong các vùng đất do hậu quả chiến tranh để lại.

* Hiểu rõ cơ chế của cỏ vetiver để ứng dụng xử lý dioxin

Sau khi hoàn thành nghiên cứu trong nước, TS. Hường đã gửi đề tài của mình đến Chương trình Quan hệ Đối tác Thúc đẩy Tham gia Nghiên cứu (PEER) của Hoa Kỳ. Năm 2017,Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông báo dự án đã nhận được khoản tài trợ 300.000 USD.

Với nguồn tài trợ này, nhóm sẽ tiến hành nghiên cứu sâu hơn về cơ chế cỏ vetiver giảm thiểu ô nhiễm dioxin, tiến hành các thí nghiệm giúp chỉ ra và làm sáng tỏ những vấn đề còn tồn tại trong những nghiên cứu trước đây về việc cố định và xử lý các chất ô nhiễm bằng thực vật. Đồng thời sẽ mở rộng nghiên cứu ngoài thực địa giúp đánh giá lại những kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Theo TS. Hường, công nghệ xử lý bằng cỏ Vetier sẽ giúp giảm thiểu đáng kể chi phí xử lý dioxin còn tồn dư sau chiến tranh; có thể ứng dụng tại nhiều khu vực trong các khu sân bay cũng như những địa phương bị ô nhiễm dioxin vừa và nhẹ. Đồng thời phương pháp này có thể áp dụng dễ dàng trên diện rộng và thương mại hoá, có thể tiếp cận và áp dụng cho những nhóm bị yếu thế, đặc biệt đối với những cá nhân có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương.

“Bằng việc thương mại hoá công nghệ xử lý bằng cỏ Vetier, dự án có thể mang lại nhiều việc làm hơn cho những nhóm người gặp khó khăn”, TS. Hường nói.

Dự án này sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 135 ngàn người sống xung quanh khu vực sân bay, và đặc biệt cho các nhân viên làm việc tại Trung đoàn không quân 935 tại sân bay Biên Hoà, thông qua việc giảm thiểu các nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe do nhiễm dioxin.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của dự án này sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển của công nghệ sử dụng thực vật trong xử lý môi trường (Phytoremediation).

Dự án thành công, ngoài việc xử lý được ô nhiễm dioxin,  bổ sung một phương pháp ngăn ngừa dioxinbằng công nghệ thân thiện môi trường, những kết quả và khuyến cáo của dự án cũng giúp những nhà làm chính sách và các nhà nghiên cứu trong việc bảo vệ và quản lý môi trường trong việc đưa ra quyết định, và trong các nghiên cứu tương lai.

Những biện pháp thực tiễn đồng thời sẽ giúp đỡ các nhà làm chính sách của địa phương, khu vực và quốc gia, cũng như các tổ chức phi chính phủ phát triển những giải pháp giảm thiểu ngắn hạn, phát triển và đánh giá những hoạt động xử lý dài hạn, và cuối cùng thực hiện các biện pháp xử lý có hiệu quả.

* Hoa Kỳ hỗ trợ công tác nghiên cứu

TS. Ngô Thị Thuý Hường cho biết thêm, ngoài tài trợ tài chính, các đối tác Hoa Kỳ có trách nhiệm thúc đẩy công tác nghiên cứu chuyên môn.

Để có thể thực hiện và hoàn thành đề án nghiên cứu này, đối tác Cục địa chất Hoa Kỳ sẽ cộng tác và giúp đỡ nhóm nghiên cứu trong việc thiết kế và bố trí thí nghiệm, từ việc xây dựng thí nghiệm trong phòng cũng như trong ngoài thực địa.

Bên cạnh đó, đối tác hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ còn cùng tham gia trong việc thực hiện và đánh giá các thí nghiệm trong Phòng thí nghiệm và ngoài thực địa; cung cấp những dụng cụ và kết quả phân tích trong việc giám sát sự hấp thụ dioxin của thực vật, bằng phương pháp SPME (Solid phase microextraction).

Các đối tác còn tạo điều kiện để dự án sử dụng phòng thí nghiệm cho việc kiểm tra kết quả phân tích mẫu dioxin và hỗ trợ giúp đỡ trong việc biên soạn các tài liệu cho các khoá tập huấn nhân lực, các hội thảo và các lớp tập huấn.

(Theo Bộ TN&MT)

Bài trướcBộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao bộ Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá theo đề án Chính phủ cho các tỉnh miền núi và trung du và tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn, quản lý, sử dụng sản phẩm chuyển giao của Đề án
Bài tiếp theoHội thảo về kết quả “Nghiên cứu điều tra, đánh giá xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục hiện tượng sụt lún đất, mặt nước, rạn nứt công trình xây dựng khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên