Nỗ lực khởi động Đề án Chính phủ về Di sản địa chất, Công viên địa chất

26

Được thành lập từ năm 2016, những năm gần đây, Tiểu ban Chuyên môn về Công viên Địa chất Toàn cầu của Việt Nam trực thuộc Ủy ban quốc gia  UNESCO Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ có chất lượng tốt.

Cụ thể, trong năm 2018 Đoàn công tác của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Địa chất khoáng sản và ông Guy Martini, cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, đã làm việc và khảo sát sơ bộ về triển vọng xây dựng Công viên địa chất ở một số địa phương như: Quảng Ngãi (tháng 2/2018); Gia Lai (tháng 4/2018 và 8/2018); Đăk Nông (tháng 7/2018 đến tháng 11/2018). Viện Địa chất khoáng sản cũng đã khảo sát bổ sung và hỗ trợ Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, tỉnh Đăk Nông, xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu vào tháng 11/2018. Đáng chú ý, Kỳ họp lần thứ 204 Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO, trở thành Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO thứ hai của Việt Nam.

Trên bình diện quốc tế, năm 2018, Mạng lưới Công viên địa chất Việt Nam cũng tích cực tham gia hội nhập thông qua một số hoạt động như tham dự khóa học chuyên sâu quốc tế về Công viên địa chất 2018 “Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO và Phát triển Du lịch địa chất (6/2018) tại đảo Lesvos, Hy Lạp”. Đoàn Việt Nam có đại diện các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ngãi và Đăk Nông cũng tham dự Hội nghị quốc tế UNESCO lần thứ 8 về Công viên địa chất, tổ chức tại Công viên địa chất Toàn cầu Adamello Brenta, Trento, Italia, tháng 9/2018. Đây là hoạt động quan trọng nhất của Mạng lưới Toàn cầu của UNESCO, được tổ chức luân phiên hai năm một lần tại các Công viên địa chất Toàn cầu trên thế giới.

Theo Trưởng Tiểu ban chuyên môn về Công viên Địa chất Toàn cầu của Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), năm 2019 dự kiến sẽ là một năm có khối lượng nhiệm vụ lớn của Tiểu ban khi khởi động Đề án Chính phủ về di sản địa chất, công viên địa chất. Theo đó, hàng loạt các hoạt động dự kiến sẽ được triển khai tổ chức như: thiết lập chương trình làm việc hàng tháng với các Công viên địa chất  (kiểm tra, giám sát, tổ chức các đợt điều tra, khảo sát với các tỉnh; hỗ trợ các địa phương tổ chức hội thảo quốc tế…); tiếp tục cùng chuyên gia tư vấn quốc tế, các cơ quan nghiên cứu trong nước hỗ trợ Công viên địa chất Lý Sơn (Quảng Ngãi) chuẩn bị trình hồ sơ tháng 11/2019 và Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, tỉnh Đăk Nông thẩm định tháng 7/2019. Đồng thời, Viện cũng tham gia thẩm định, tái thẩm định Công viên địa chất Toàn cầu của UNESCO dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7/2019; tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 6 của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về Công viên địa chất, dự kiến tháng 9/2018 tại Indonesia…..

Ông Mai Phan Dũng, Phó Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, nhấn mạnh: Nhờ có sự chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan,  sự góp phần tích cực của một số hợp tác khoa học quốc tế trong việc nhận dạng và nâng cao giá trị di sản ở các khu vực đang và sẽ trở thành Công viên địa chất nên quá trình triển khai đã có nhiều thuận lợi. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến mô hình phát triển kinh tế-xã hội mới, nhận thức của xã hội chưa thực sự đầy đủ; cơ sở pháp lý chưa cập nhật; đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này ít hiểu biết, thiếu kinh nghiệm; Đề án Chính phủ “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới Công viên địa chất ở Việt Nam” cũng chưa được triển khai…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tân Văn cũng cho rằng nhiệm vụ năm 2019 là hết sức nặng nề trong giai đoạn Mạng lưới Công viên địa chất Việt Nam đang còn non trẻ. Do vậy, trong thời gian tới Tiểu ban chuyên môn về Công viên Địa chất Toàn cầu của Việt Nam cần nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đề ra, đưa Mạng lưới Công viên địa chất Việt Nam trở thành mạng lưới mạnh trong khu vực và trên toàn cầu, góp phần mạnh mẽ vào chiến lược phát triển quốc gia bền vững, nâng cao an sinh xã hội, bảo tồn hệ thống di sản./.

 

Diệu Thúy – Thông tấn xã Việt Nam

Bài trướcThủ tướng: Bộ TN&MT đã tạo ra những gam màu tươi sáng hơn trong bức tranh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu
Bài tiếp theoBản tin kinh tế Địa chất nguyên liệu khoáng Quý I/2019