Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu

16

Ngày 12 tháng 4 năm 2018, tại Paris-thủ đô nước Pháp, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã họp lần thứ 204 và đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu. Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Toàn cầu Non Nước Cao Bằng trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) thứ hai ở Việt Nam, sau CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận vào tháng 10 năm 2010.

Các thành viên và khách mời của phiên họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 204 tại Paris, Pháp vào ngày 12 tháng 4 năm 2018 (Ảnh: VOV)

Từ năm 2010, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã tiến hành các nghiên cứu về di sản địa chất ở tỉnh Cao Bằng nhằm hướng tới thành lập CVĐC. Đến năm 2015, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản   đã đề xuất với UBND tỉnh Cao Bằng thành lập CVĐC Non Nước Cao Bằng. Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã phối hợp với UBND, các sở, ban, ngành và cộng đồng địa phương tỉnh Cao Bằng trong việc khảo sát nghiên cứu các di sản địa chất và các di sản khác; triển khai xây dựng xây dựng hồ sơ xin công nhận CVĐC Non Nước Cao Bằng là CVĐCTC trình UNESCO vào tháng 11, 2016. Với sự tư vấn của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, UBND tỉnh Cao Bằng đã mời chuyên gia quốc tế tư vấn trong việc xây dựng CVĐC Non Nước Cao Bằng. Uỷ ban UNESCO Việt Nam và Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã phối hợp chặt chẽ và đồng hành cùng chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng trong tiến trình thẩm định hồ sơ của các chuyên gia Quốc tế vào tháng 7 năm 2017 và bảo vệ thành công hồ sơ trước Hội đồng CVĐCTC vào tháng 9, 2017.

Các chuyên gia thẩm định của UNESCO và các thành viên của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tham quan di sản văn hóa làng nghề thêu thổ cẩm người Dao Tiền ở CVĐCTC Non Nước Cao Bằng vào tháng 7-2017 (Ảnh: caobanggeopark.com)

CVĐCTC Non Nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía Bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km, diện tích hơn 3000 km2, bao gồm 6 huyện là Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An của tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc khác nhau như Tày, Nùng, Mông, Kinh, Dao, Sán Chay… CVĐCTC Non Nước Cao Bằng nổi tiếng với các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu.

CVĐCTC Non Nước là một miền đất hiếm có, nơi có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích được bảo vệ ở nơi đây. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa và đá siêu mafic, mặt đứt gãy trong đá vôi, hệ thống hồ liên thông và các hang động, khoáng sản thiếc, vonfram…, đặc biệt là các cảnh quan karst, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái Đất và mang ý nghĩa là những di sản địa chất, địa mạo và hang động nổi bật. CVĐCTC Non Nước Cao Bằng còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, Quần thể Hồ Thang Hen, Động Ngườm Ngao… và đặc biệt Thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.

Di sản địa mạo: Cảnh quan thác karst Bản Giốc

CVĐCTC Non nước Cao Bằng cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, được coi là một trong những khu vực ở Việt Nam được người tiền sử chiếm cư từ rất sớm, cố đô của một số triều đại phong kiến, và đặc biệt là các di tích lịch sử Cách mạng. Pác Bó, di tích Quốc gia đặc biệt, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào Cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài; Rừng Trần Hương Đạo, di tích Quốc gia đặc biệt, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào năm 1944.

Hiện tại, đã xây dựng được 3 tuyến du lịch đặc sắc cho du khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan CVĐCTC Non Nước Cao Bằng. Trở về cội nguồn- là tên của tuyến tham quan phía Bắc; Khám phá Pia Oắc-vùng đất của những đổi thay- là tên tuyến tham quan phía Tây; và “Trải nghiệm những truyền thống văn hóa ở xứ sở thần tiên” là tên tuyến tham quan phía Đông của CVĐCTC Non Nước Cao Bằng.

UBND tỉnh Cao Bằng đang cùng các sở ban ngành triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và di sản địa chất, sử dụng hợp lý tài nguyên, giữ gìn và phát huy tối đa các giá trị về địa chất, địa mạo và hang động, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, khảo cổ… song song với phát triển kinh tế – xã hội, chú trọng phát triển du lịch bền vững nhằm phát huy giá trị của CVĐCTC Non Nước Cao Bằng.

Phòng KH, ĐT&HTQT

Bài trướcKhối thi đua số V – Hội nghị triển khai công tác thi đua khen thưởng và tuyên truyền 2018
Bài tiếp theoTình hình triển khai nhiệm vụ năm 2018 Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn