Chế độ thai sản

18

Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật lao động năm 2012, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Điều 240 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về hiệu lực của Bộ luật lao động năm 2012 như sau:

1. Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013.

2. Kể từ ngày Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành: quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con tại Luật BHXH số 71/2006/QH11 được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012. Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực, mà đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật BHXH số 71/2006/QH11 thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012.

Như vậy nếu đến ngày 1/5/2013 mà bạn vẫn còn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật BHXH, thì thời gian bạn nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 đương nhiên là 6 tháng.

I. Đối tượng áp dụng chế độ thai sản

Đối tượng áp dụng chế độ thai sản là người lao động quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH. Cụ thể các điểm như sau:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;

b) Cán bộ, công chức, viên chức;

c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an;

d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân.

II. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi;

d) Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.

2. Người lao động quy định tại điểm b và điểm c ở trên phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

III. Thời gian hưởng chế độ khi khám thai

Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai năm lần, mỗi lần một ngày; trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ hai ngày cho mỗi lần khám thai.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

IV. Thời gian hưởng chế độ khi sảy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu

Khi sảy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản mười ngày nếu thai dưới một tháng; hai mươi ngày nếu thai từ một tháng đến dưới ba tháng; bốn mươi ngày nếu thai từ ba tháng đến dưới sáu tháng; năm mươi ngày nếu thai từ sáu tháng trở lên. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

V. Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai

1. Khi đặt vòng tránh thai người lao động được nghỉ việc bảy ngày.

2. Khi thực hiện biện pháp triệt sản người lao động được nghỉ việc mười lăm ngày.

3. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại điểm 1 và  2 ở trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

VI. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi thì được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con. Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.

VII. Mức hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định, mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

VIII. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con

1. Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật BHXH khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Sau khi sinh con từ đủ sáu mươi ngày trở lên;

b) Có xác nhận của cơ sở y tế về việc đi làm sớm không có hại cho sức khoẻ của người lao động;

c) Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

2. Ngoài tiền lương, tiền công của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật BHXH

IX. Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản

1. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 30, khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật BHXH mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày trong một năm.

2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.

Vậy chiếu theo quy định nêu trên, khi sinh con bạn được:

– Trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung;

– Bạn được hưởng chế độ thai sản là 6 tháng x 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

– Ngoài ra, sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH mà sức khỏe của bạn còn yếu, bạn còn được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, với mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe như nêu trên.

 

Theo Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam

Bài trướcThông tư liên tịch Số: 01/2011/TT-BNV
Bài tiếp theoQuyết định Số: 1599 /QĐ-BTNMT Ban hành Quy chế quản lý công chức, viên chức