Công viên Địa chất toàn cầu – Mô hình phát triển KT – XH bảo vệ môi trường

61

Vừa qua, Bộ TN&MT đưa ra Dự thảo Thông tư “Quy định kỹ thuật về điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất” để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi về những tiêu chí cụ thể cho việc đánh giá giá trị địa chất khu vực. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Tân Văn (ảnh), Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Trần Tân Văn – Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

PV: Ông có cho rằng việc công nhận một Công viên địa chất, di sản địa chất để phục vụ tham quan du lịch, nghiên cứu chuyên sâu là một bước phát  triển mới đối với vấn đề phát triển kinh tế đi đôi bảo vệ môi trường không?

 PGS.TS. Trần Tân Văn: Tôi cho rằng, CVĐC về bản chất là một mô hình phát triển kinh tế – xã hội mới, hướng tới bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể mọi loại hình di sản, trong đó các giá trị di sản địa chất (DSĐC) đóng vai trò chủ đạo. CVĐC khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị di sản, về các ngành khoa học, đặc biệt là các khoa học về Trái đất. CVĐC cổ súy cho các hoạt động kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu…, và ngược lại, không khuyến khích các hoạt động kinh tế không bền vững, không thân thiện với môi trường, hủy hoại thiên nhiên…

CVĐC cũng mở ra nhiều hình thức sinh kế mới, nhiều cơ hội việc làm mới, thí dụ như du lịch địa chất và các hoạt động dịch vụ đi kèm… Đặc biệt, CVĐC nhấn mạnh sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản và hội nhập quốc tế. Nhiều khu vực trên thế giới đã chuyển sang mô hình này, như Vườn Quốc gia Langkawi (Malaysia) đã chuyển thuần túy từ một khu bảo tồn sang CVĐC để vừa bảo tồn vừa phát triển bền vững, cải thiện cuộc sống của người dân địa phương. Nhiều khu vực khác như Danxiashan (Trung Quốc), Jeju (Hàn Quốc) hay gần đây nhất là Ngorongoro-Lengai (Tanzania) trước đây đã từng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới hoặc Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới cũng muốn và đã được công nhận thêm là CVĐC toàn cầu của UNESCO, cũng với các mục đích kể trên, tức là bảo tồn và phát huy tổng thể các giá trị di sản…

PV: Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc xây dựng và ban hành Thông tư “Quy định kỹ thuật về điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất” trong việc phát triển hệ thống các giá trị địa chất tại Việt Nam?

 PGS.TS. Trần Tân Văn: Tất nhiên đây là một tài liệu quan trọng và cần thiết, vì từ trước đến nay, mặc dù, đã có khá nhiều hoạt động điều tra, đánh giá DSĐC và CVĐC được triển khai, nhưng chúng ta chưa có một bộ quy định thống nhất xem là phải làm thế nào, theo các yêu cầu, tiêu chí nào, mức độ chi tiết đến đâu… và vì thế việc đánh giá, thẩm định xem như thế đã đủ chưa, đạt yêu cầu chưa… từ trước đến nay, vẫn chưa có một cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý đầy đủ. Trong thời gian tới, công tác điều tra, đánh giá DSĐC và CVĐC sẽ còn khá nhiều và sôi động, văn bản kể trên sẽ là cơ sở để các cơ quan, tổ chức thực hiện các công tác này căn cứ vào đó triển khai, như thế tốt cho cả cơ quan quản lý Nhà nước lẫn địa phương cũng như các đơn vị thực hiện.

PV: Trong Luật Di sản văn hóa có khái niệm “Danh lam thắng cảnh”, trong đó bao gồm khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù, khu vực thiên nhiên, chứa đựng những dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của Trái đất. Vì thế việc xếp hạng, công nhận di sản địa chất, công viên địa chất là di tích có cần thiết hay không, thưa ông?

 PGS.TS. Trần Tân Văn: Đây là một câu hỏi rất thú vị. Đúng là chính chúng tôi cũng nhìn thấy trong khái niệm đó bóng dáng, mặc dù không cụ thể, của DSĐC và CVĐC. Nếu hiểu rộng như thế và làm được như thế thì đã rất tốt. Tuy vậy, ở đây có một số vấn đề cần trao đổi cho rõ, thí dụ:

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua năm 2001 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tuy vậy, khái niệm “Danh lam thắng cảnh” kể trên đã không được mở rộng, làm rõ, để bao gồm thêm cả các loại hình DSĐC và CVĐC. Không những thế, cũng không bao gồm các loại hình khác mà quốc tế đã có từ lâu, như Di sản thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Khu đất ngập nước (Ramsar) thế giới, hay Vườn Di sản ASEAN… hoặc trong nước cũng đã có từ lâu, như Vườn quốc gia hay Khu bảo tồn thiên nhiên… Hầu hết, những gì được công nhận theo Luật Di sản văn hóa là các di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ học, hoặc các giá trị văn hóa, nghệ thuật…

Cũng chính vì thế, ở nước ta rất nhiều khu vực có thể thuộc khái niệm “Danh lam thắng cảnh” lại được công nhận là các danh hiệu khác trên cơ sở các đạo luật khác. Thí dụ các Vườn quốc gia hay Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu dự trữ thiên nhiên, Khu bảo tồn biển… được Bộ NN&PTNT xem xét, công nhận, hoặc trình Chính phủ xem xét, công nhận, căn cứ vào Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hay Luật thủy sản. Các Khu dự trữ sinh quyển thế giới hay Khu đất ngập nước thế giới trước đây chỉ được UNESCO hay IUCN công nhận. Trước đây, các hồ sơ đề nghị công nhận những danh hiệu này chỉ do UBQG Chương trình con người và sinh quyển (trước trực thuộc Bộ KH&CN, nay trực thuộc Bộ TN&MT) chuẩn bị chứ Bộ VHTTDL có chăng chỉ tham gia ý kiến. Ngay cả đối với danh hiệu Di sản thế giới, Bộ VHTTDL cũng chỉ đóng vai trò quan trọng đối với các Di sản văn hóa thế giới, chứ các Di sản thiên nhiên thế giới hoặc Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới thì chủ yếu cũng là do các đơn vị thuộc các lĩnh vực địa chất hay đa dạng sinh học thực hiện. Tương tự như vậy là các hồ sơ về CVĐC của Cao nguyên đá Đồng Văn hay Non nước Cao Bằng…Các danh lam thắng cảnh rất ít và nếu có được công nhận, chủ yếu là về mặt thẩm mỹ. Điều đó có vẻ khá là hiển nhiên vì thành phần của các Hội đồng do Bộ VHTTDL thành lập để xem xét, công nhận các di tích, danh thắng quốc gia, hay của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập để xem xét, công nhận các di tích, danh thắng quốc gia đặc biệt, phần lớn đều là các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, khoa học xã hội nhân văn, hầu như không có các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Thế nên việc đặt ra vấn đề công nhận các DSĐC và CVĐC rất tự nhiên, và theo tôi được biết, gần đây nhất, ngày 4/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT, trong đó, có nội dung hướng dẫn lập hồ sơ, thẩm định và công nhận danh hiệu DSĐC và CVĐC cấp quốc gia;

PV: Việc công nhận các danh hiệu DSĐC và CVĐC còn cần thiết ở chỗ nó mở ra cơ hội được công nhận, được bảo tồn và phát huy giá trị cho thêm rất nhiều khu vực, địa điểm, vị trí khác, những nơi mà trước đây, nếu chỉ căn cứ vào các đạo luật hiện hành, hay chỉ căn cứ vào cách hiểu truyền thống các đạo luật đó, thì chẳng có cơ hội được công nhận. Vậy, để bảo tồn và phát huy tổng thể các giá trị di sản ở khu vực đó, phải đi theo hướng nào, thưa ông?

 PGS.TS. Trần Tân Văn: Một tồn tại nữa, cũng không rõ ràng, trong Luật Di sản văn hóa, liên quan đến khái niệm “Danh lam thắng cảnh” là về quy mô của nó. Thí dụ như Vịnh Hạ Long, là một danh thắng quốc gia từ năm 1962, nhưng có ai biết diện tích là bao lớn đâu. Đến khi được UNESCO công nhận lần đầu năm 1994,  cũng chỉ khoanh ước lệ một diện tích khoảng 434km2 để quản lý, chứ cũng có theo tiêu chí nào đâu. Hay Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên) cũng được công nhận là danh thắng quốc gia nhưng diện tích chỉ khoảng 10km2. Theo các tiêu chí về DSĐC và CVĐC, Ghềnh Đá Đĩa chỉ được coi là một DSĐC, trong khi Vịnh Hạ Long có thể được coi như là một CVĐC. Quy định rất rõ của UNESCO là một CVĐC phải là một tập hợp của nhiều DSĐC, trong đó, có một số DSĐC có tầm cỡ quốc tế, cùng với nhiều giá trị di sản khác. CVĐC có ranh giới địa lý – hành chính rõ ràng và phải có diện tích đủ lớn để có thể đóng vai trò đáng kể trong nền kinh tế – xã hội của địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Báo Tài nguyên và Môi trường – Phạm Thu Hà (thực hiện)

Bài trướcSử dụng bản đồ cảnh báo trượt lở đất, đá: Cần cán bộ chuyên trách
Bài tiếp theoHội thảo khu vực lần thứ 3 trong chương trình Điều tra và củng cố các đê chống lũ xung yếu cho các nước trong khu vực Nam và Đông Nam Á