Sử dụng chất thải công nghiệp thay thế xi măng

85

Sáng 29/7/2024, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp với Tập đoàn CMD Hàn Quốc “Giới thiệu về vật liệu xây dựng mới CMD-Soil sử dụng chất thải công nghiệp thay thế cho xi măng truyền thống”.

Tham gia Hội thảo có Tiến sĩ Trịnh Hải Sơn, Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Hoàng Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng; Tiến sĩ Lưu Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng; Ông Nguyễn Xuân Hiển Vụ KHCN&MT, Bộ Xây dựng; Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế; Đại diện Vụ Khoa học Công Nghệ; Vụ Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đại diện Bộ xây dựng; Đại diện Tập đoàn điện lực EVN; Đại diện Tập đoàn than khoáng sản VINACOMIN và các đơn vị trong ngành xây dựng có quan tâm đến vật liệu mới thay thế cho xi măng truyền thống.

Về phía tập đoàn CMD Hàn Quốc có ông Mun Gyong Ju, Chủ tịch Tập đoàn vật liệu CMD-Soil Hàn Quốc; Tiến sĩ Seo Se Gwan, Giám đốc kỹ thuật tập đoàn CMD Hàn Quốc; GS.TS. Chang Woo Lee, Cố vấn tập đoàn CMD Hàn Quốc.

Toàn cảnh Hội thảo.

Đánh giá tại Hội thảo về vật liệu xây dựng mới CMD-Soil, Tiến sĩ Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nhận định: “Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu, việc tìm kiếm các giải pháp bền vững trong xây dựng là một nhu cầu cấp bách. Xi măng truyền thống, mặc dù là thành phần không thể thiếu trong ngành xây dựng, nhưng quá trình sản xuất của nó tiêu tốn rất nhiều năng lượng và gây ra lượng phát thải carbon đáng kể, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. CMD-Soil ra đời như một giải pháp tiên tiến, thay thế xi măng truyền thống bằng việc sử dụng chất thải công nghiệp như tro bay từ các nhà máy nhiệt điện và xỉ lò cao từ các nhà sản xuất sắt và thép. Điều này không chỉ giúp giảm tiêu thụ xi măng mà còn góp phần tái chế các vật liệu thải công nghiệp, tạo ra một vòng tuần hoàn kinh tế và bảo vệ môi trường. CMD-Soil được phát triển với công nghệ không nung kết hợp chất kết dính vô cơ và không sử dụng xi măng. CMD-Soil có thể áp dụng cho nhiều mục đích xây dựng khác nhau như gia cố nền đất yếu, xây dựng tường xi măng đất, xử lý bùn hữu cơ và vô cơ, và nhiều ứng dụng khác”.

Tiến sĩ Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đánh giá về vật liệu xây dựng mới CMD-Soil tại Hội thảo.

GS.TS. Chang Woo Lee, Cố vấn tập đoàn CMD Hàn Quốc giới thiệu về CMD-Soil.

Sản xuất CMD-SOIL tại Hàn Quốc.

Bà Nguyễn Tâm, Cố vấn cao cấp về khí hậu của tập đoàn Coral Future Singapore báo cáo cơ hội về tín chỉ carbon cho các dự án xanh phát thải carbon thấp. Theo bà Tâm đánh giá về Thị trường carbon tại Việt Nam: “Tính đến tháng 11/2022 có gần 29,4 triệu tín chỉ carbon được phát hành, thuộc 276 dự án trong khuôn khổ Cơ chế phát triển sạch (CDM), trong đó 204 dự án thủy điện. 32 dự án được đăng ký dưới Gold Standard và 5,75 triệu tín chỉ carbon được phát hành. 27 dự án được đăng ký dưới VCS và 1,35 triệu tín chỉ carbon được phát hành”.

Bà Nguyễn Tâm, Cố vấn cao cấp về khí hậu của tập đoàn Coral Future Singapore đánh giá về Thị trường carbon tại Việt Nam.

Tiêu chuẩn chứng chỉ carbon.

Nguồn:http://baotnvn.vn/tin-tuc/Doi-song/28612/Su-dung-chat-thai-cong-nghiep-thay-the-xi-mang

Bài trướcBảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Viện của Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Thảo
Bài tiếp theoThông báo về việc bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Viện của nghiên cứu sinh Đỗ Đức Nguyên