Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao bộ Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá theo đề án Chính phủ cho các tỉnh miền núi và trung du và tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn, quản lý, sử dụng sản phẩm chuyển giao của Đề án

51

Sáng ngày 21/5, tại thành phố Lào Cai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị chuyển giao kết quả Đề án Chính phủ “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất, đá các vùng miền núi Việt Nam”.

Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trần Quý Kiên – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tham dự có đồng chí Nguyễn Hữu Thể – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; cùng các đồng chí lãnh đạo và thành viên đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai, Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Ban chỉ huy PCTT và TKCN 11 tỉnh (Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái).

Các đại biểu tham dự hội nghị

Theo thông tin cơ bản của đề án, trượt lở đất đá là một trong những loại hình thiên tai xảy ra phổ biến ở các vùng miền Việt Nam. Nhằm điều tra tổng thể về hiện trạng trượt lở đất đá các khu vực miền núi Việt Nam, đánh giá phân vùng nguy cơ, để có cái nhìn tổng quát, định hướng phát triển kinh tế, dân cư, giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 351/QĐ-TTg ngày 27/3/2012 về việc phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, trong đó Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản là cơ quan chủ trì.

Mục tiêu tổng thể của đề án là xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tại các vùng miền núi, trung du làm cơ sở phục vụ qui hoạch phát triển kinh tế – xã hội, qui hoạch sắp xếp dân cư đảm bảo ổn định, bền vững; nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đến nay, đề án điều tra hiện trạng trượt lở đất tỷ lệ 1:50.000 được triển khai trên phạm vị 17 tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, hoàn thành công tác lập bản đồ phân vùng cảnh báo cho 10 tỉnh (trong đó có tỉnh Lào Cai). Năm 2017, đề án đã triển khai công tác điều tra, cập nhập, bổ sung thông tin hiện trạng và khoanh vùng nguy cơ trượt lở đất đá tại 20 xã trọng điểm có nguy cơ trượt lở đất đá cao thuộc 4 tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Năm 2018, đề án tiếp tục chuyển giao kết quả, hướng dẫn quản lí, sử dụng cho địa phương bộ sản phẩm nói trên.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đánh giá cao nỗ lực của Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản là cơ quan chủ trì và các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và nhân dân các địa phương trong quá thình thực hiện đề án. Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng các đơn vị liên quan trong thời gian tới cần chú trọng triển khai các nhiệm vụ: Đẩy nhanh tiến độ thành lập các bản đồ phân vùng cảnh báo; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị cảnh báo, dự báo thiên tai; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể, truyền thông từ Trung ương đến địa phương để triển khai công tác chuyển giao kết quả, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tai biến địa chất, trượt lở đất đá, tăng cường khả năng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra; các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tiếp thu các kết quả điều tra; các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương chủ động, tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu phổ biến các kết quả này, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và ý thức chủ động phòng chống thiên tai trong mọi tầng lớp nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thể phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Thể – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khái quát tiềm năng, thế mạnh của Lào Cai trong phát triển kinh tế như: Phát triền kinh tế cửa khẩu; tài nguyên khoáng sản phong phú; có tiểu vùng khí hậu ôn đới, á nhiệt đới phù hợp với phát triển nông nghiệp, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình là điều kiện hết sức quan trọng để phát triển ngành kinh tế du lịch… Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, Lào Cai cũng đặc biệt quan tâm và xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn xã hội. Là tỉnh miền núi có địa hình, địa chất phức tạp, nhiều khu vực núi cao bị chia cắt, hệ thống sông, suối có độ dốc lớn, cộng với trên địa bàn có nhiều công trình đang xây dựng, nhiều điểm khai thác khoáng sản, nhiều công trình thủy điện…, nên tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, nguồn lực cho công tác PCTT và TKCN còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai trong công tác phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trương bàn giao bộ sản phẩm cho các tỉnh

Tại hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho các tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình; bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Cạn; sơ đồ hiện trạng và sơ đồ khoanh vùng nguy cơ trượt lở đất đá khu vực 20 xã trọng điểm thuộc 4 tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai và Yên Bái.

Đại biểu các tỉnh chụp ảnh lưu niệm với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bản đồ đã xác định và khoanh định được các điểm, vùng nguy hiểm tiềm ẩn các nguy cơ sạt lở đất đá có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, giao thông, bố trí dân cư và kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Các kết quả này là những dữ liệu quan trọng phục vụ công tác phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra trong mùa mưa bão tại các vùng miền núi Việt Nam.

Tiếp đó, sáng 22/5, tại thành phố Lào Cai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn quản lý, sử dụng sản phẩm chuyển giao của Đề án Chính phủ “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”.

Quang cảnh lớp tập huấn

Lớp tập huấn có 31 học viên đến từ 11 tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc (Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Bắc Cạn, Cao Bằng) tham dự.

Các học viên tham dự lớp tập huấn sẽ được chuyên gia đầu ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường truyền đạt những nội dung chính: Khái quát về các sản phẩm chính của Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”; hướng dẫn sử dụng bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000; thực hành sử dụng bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỉ lệ 1:50.000 trên bản đồ giấy, bản đồ số và bộ dữ liệu Excel; hướng dẫn cập nhật thông tin thiên tai lên bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 của một số địa phương cụ thể; hướng dẫn sử dụng bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỉ lệ 1:50.000; thực hành sử dụng bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá trên bản đồ giấy và bản đồ số; hướng dẫn sử dụng bản đồ trực tuyến – hệ thống WebGIS về trượt lở đất đá của đề án; thực hành sử dụng bản đồ trực tuyến – hệ thống WebGIS về trượt lở đất đá của đề án; hướng dẫn quản lý, sử dụng bộ sản phẩm của đề án phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và quy hoạch phát triển ở địa phương.

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng dành thời gian để học viên và giảng viên lớp tập huấn trao đổi, thảo luận làm rõ thêm những nội nội dung khác có liên quan.

Hiện nay, các kết quả nghiên cứu của đề án, thông tin về hiện trạng trượt lở đất đá, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi đã được điều tra và đăng tải, công bố trên hệ thống Webgis tại địa chỉ www.canhbaotruotlo.vn

Bài trướcTọa đàm khoa học hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bài tiếp theoCỏ vetiver có khả năng làm giảm nhẹ ô nhiễm dioxin