Bản tin kinh tế địa chất – nguyên liệu khoáng Quý IV

191

 

Thị trường than thế giới và triển vọng ngành than Việt Nam

  1. Trữ lượng than trên thế giới

Theo BP Statistical (2016), trữ lượng xác minh than thế giới được thống kê tại thời điểm cuối năm 2015 vào khoảng 891.531 triệu tấn, gồm than antraxit, bitum là 403.199 triệu tấn (45,2%). Còn than á bitum và than nâu là 488.332 triệu tấn (54,8%).

Trong đó, ở khu vực châu Âu và Eurasia (Liên Xô trước đây): 310.538 triệu tấn (chiếm 34,8%); châu Á – Thái Bình Dương 288.328 triệu tấn (chiếm 32,3%); khu vực Bắc Mỹ 245.088 triệu tấn (chiếm 27,5%); khu vực Trung Đông – châu Phi 32.936 triệu tấn (chiếm 3,7%); Trung – Nam Mỹ 14.641 triệu tấn (chiếm 1,6%).

Trong tổng trữ lượng than khu vực châu Âu và Eurasia 310.538 triệu tấn, gồm than á bitum, than non 217.981 triệu tấn (70,2%) và than antraxit, bitum 92.557 triệu tấn (29,8%).

Trữ lượng than phân bố chủ yếu ở Liên bang Nga 157.010 triệu tấn (chiếm 17,6%), trong đó, antraxit và bitum 31,3%. Đức 40.548 triệu tấn (chiếm 4,5%), trong đó, antraxit và bitum 0,12%. Ukraina 33.873 triệu tấn (chiếm 3,8%), trong đó, antraxit và bitum 45,3%. Kazakhstan 33.600 triệu tấn (chiếm 3,8%), trong đó, antraxit và bitum 64%. Séc Bi 13.411 triệu tấn (chiếm 1,5%), toàn bộ là than á bitum và than non. Thổ Nhĩ Kỳ 8.702 triệu tấn (chiếm 1,0%,0), trong đó, antraxit và bitum 3,7% và Ba Lan 5.465 triệu tấn (chiếm 0,6%), trong đó antraxit và bitum 76,5%.

Trữ lượng than khu vực châu Á – Thái Bình Dương 288.328 triệu tấn, trong đó than antraxit vàbitum 157.803 triệu tấn (54,7%), á bitum, than non 130.525 triệu tấn (45,3%).

Trữ lượng than phân bố chủ yếu tại các nước: Trung Quốc 114.500 triệu tấn (chiếm 12,8%), trong đó, antraxit và bitum 54,3%. Australia 76.400 triệu tấn (chiếm 8,6%), trong đó antraxit và bitum 48,6%. Ấn Độ 60.600 triệu tấn (chiếm 6,8%), trong đó antraxit và bitum 92,6% và Indonesia 28.017 triệu tấn (chiếm 3,1%), toàn bộ là than á bitum và than non.

Trữ lượng than khu vực Bắc Mỹ 245.088 triệu tấn, trong đó antraxit và bitum 112.835 triệu tấn (46,0%), á bitum, than non 132.253 triệu tấn (54,0%).

Trữ lượng than phân bố chủ yếu tại các nước: Mỹ 237.295 triệu tấn (chiếm 26,6%), trong đó antraxit và bitum 45,7%. Canada 6.582 triệu tấn (chiếm 0,7%), trong đó antraxit, bitum 52,8%.

Với mức sản lượng năm 2015, trữ lượng than thế giới đảm bảo khai thác trong 114 năm tiếp theo và hiện đứng đầu trong số các nhiên liệu hóa thạch trên thế giới. Tuy nhiên, thời hạn khai thác của từng khu vực có sự chênh lệch khá lớn phản ánh phần nào chính sách và tốc độ khai thác tài nguyên than của các châu lục và từng nước. Cụ thể là tại khu vực châu Âu và Eurasia 273 năm, Bắc Mỹ 276 năm, châu Á – Thái Bình Dương 53 năm.

Trữ lượng than thế giới đã giảm từ 1.031.610 triệu tấn năm 2005 xuống 909.064 triệu tấn năm 2005 và 891.531 triệu tấn năm 2015.

  1. Ứng dụng than trong đời sống hàng ngày

Than đá là một loại nhiên liệu hóa thạch được hình thành ở các hệ sinh thái đầm lầy nơi xác thực vật được nước và bùn lưu giữ không bị ôxi hóa và phân hủy bởi sinh vật (biodegradation) và cả ở những cánh rừng bị cháy được vùi lấp. Thành phần chính của than đá là cacbon, ngoài ra còn có các nguyên tố khác như lưu huỳnh. Than đá, là sản phẩm của quá trình biến chất, là các lớp đá có màu đen hoặc đen nâu có thể đốt cháy được. Than đá là nguồn nhiên liệu sản xuất điện năng lớn nhất thế giới, cũng như là nguồn thải khí carbon dioxide lớn nhất, được xem là nguyên nhân hàng đầu gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu. Than đá được khai thác từ các mỏ than lộ thiên hoặc dưới lòng đất (hầm lò).

Than đá sử dụng nhiều trong sản xuất và đời sống. Trước đây, than dùng làm nhiên liệu cho máy hơi nước, đầu máy xe lửa. Sau đó, than làm nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện, ngành luyện kim. Gần đây than còn dùng cho ngành hóa học tạo ra các sản phẩm như dược phẩm, chất dẻo, sợi nhân tạo. Than chì dùng làm điện cực. Ngoài rathan còn được dùng nhiều trong việc sưởi ấm từ xa xưa nhưng khi cháy chúng tỏa ra rất nhiều khí CO có thể gây ngộ độc nên cần sử dụng trong các lò sưởi chuyên dụng có ống khói dẫn ra ngoài cũng như có các biện pháp an toàn khi sử dụng chúng.

Than có tính chất hấp thụ các chất độc vì thế người ta gọi là than hấp thụ hoặc là than hoạt tính có khả năng giữ trên bề mặt các chất khí, chất hơi, chất tan trong dung dịch. Dùng nhiều trong việc máy lọc nước, làm trắng đường, mặt nạ phòng độc…

Than đá không chỉ là sản phẩm dành cho việc phát triển kinh tế, nguyên liệu máy móc và nhà máy, chất đốt… mà còn dùng làm điêu khắc, vẽ tranh mỹ nghệ đó là tác phẩm do những nghệ nhân giỏi nghệ thuật.

  1. Tình hình sản xuất và tiêu thụ than trên thế giới

a. Tình hình sản xuất

Theo BP Statistical (2016), sản lượng than thế giới năm 2015 đạt 3.830,1 triệu TOE (tương ứng khoảng 7.820 triệu tấn), giảm 4,0% so với năm 2014. Trong đó, châu Á – Thái Bình Dương chiếm 70,6%; khu vực Bắc Mỹ chiếm 12,9%; khu vực châu Âu và Eurasia chiếm 11% và châu Phi chiếm 3,9%.

Trong đó, sản lượng than khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt 2.702,6 triệu TOE (tương ứng khoảng 5.440 triệu tấn), giảm 2,9% so với năm 2014. Trong đó, Trung Quốc 1.827 triệu TOE (bằng 3.693 triệu tấn, chiếm 47,7%). Tiếp theo là Ấn Độ, Australia, Indonesia lần lượt là 283,9 triệu tấn TOE (681 triệu tấn); 275 triệu TOE (483,5 triệu tấn) và 241,1 triệu TOE (394,6 triệu tấn).

Sản lượng than khu vực châu Âu và Eurasia đạt 419,8 triệu TOE (tương ứng khoảng 1.137,5 triệu tấn), giảm 3,1% so với năm 2014. Trong đó, Nga 184,5 triệu TOE (tương ứng khoảng 372 triệu tấn). Tiếp theo là Đức, Ba Lan và Kazacxtan lần lượt là 42,9; 53,7 và 45,8 triệu TOE (tương ứng khoảng 184,3; 136,6 và 106,3 triệu tấn).

Sản lượng than Bắc Mỹ đạt 494,3 triệu TOE (tương ứng khoảng 888 triệu tấn), giảm 10,3% so với năm 2015. Trong đó, Mỹ 455,2 triệu TOE (tương ứng khoảng 812 triệu tấn), Canada 32,1 triệu TOE (tương ứng khoảng 60,9 triệu tấn).

b. Tiêu thụ than

Theo BP Statistical: Tiêu thụ than thế giới ổn định trong giai đoạn 1991÷2002, trung bình toàn giai đoạn vào khoảng 4,4 tỷ tấn/năm. Tuy nhiên, bước qua giai đoạn 2003÷2011, tổng lượng tiêu thụ than thế giới tăng vọt với lượng tiêu thụ trung bình toàn giai đoạn vào khoảng 6,2 tỷ tấn/năm (gấp gần 1,5 lần giai đoạn trước). Từ năm 2012 tiếp tục có xu hướng tăng, trong giai đoạn 2012-2014 lượng than tiêu thụ trung bình khoảng 7,34 tỷ tấn, tăng 18,4% so với bình quân giai đoạn 2003-2011. Trong đó, tăng chủ yếu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương – đặc biệt là tại Trung Quốc.Tổng lượng than tiêu thụ thế giới năm 2015 đạt 3.839,9 triệu TOE (tương ứng khoảng 7.320 triệu tấn), giảm 1,8% so với năm 2014. Trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2.798,5 triệu TOE (tăng 0,2% so với 2014), chiếm 72,9%; khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Eurasia lần lượt là 429,0 và 467,9 triệu TOE (giảm 12,1% và 2,7% so với 2014), tương ứng chiếm 11,2% và 12,2% sản lượng than tiêu thụ toàn thế giới.

Trong tổng lượng than tiêu thụ khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2015, các nước tiêu thụ than lớn gồm: Trung Quốc (1.920,4 triệu TOE, tương ứng khoảng 3.545,4 triệu tấn, chiếm 50% tổng than tiêu thụ toàn thế giới ); Ấn Độ (407,2 triệu TOE); Nhật Bản (119,4 triệu TOE); Hàn Quốc (84,5 triệu TOE); Indonesia (80,3 triệu TOE); Úc (46,6 triệu TOE), Đài Loan (37,8 triệu TOE); Việt Nam (22,2 triệu TOE); Malaixia và Thái Lan (đều là 17,6 triệu TOE). Riêng Trung Quốc sau thời kỳ dài liên tục tăng cao, từ năm 2014 sản lượng than tiêu thụ có xu hướng giảm (năm 2014 giảm so với 2013 là 0,76% và 2015 giảm so với 2014 là 1,5%).

Tại Bắc Mỹ, lượng tiêu thụ than của Mỹ đạt 396,3 triệu TOE, tương ứng khoảng 777,2 triệu tấn, chiếm 10,3% tổng tiêu thụ thế giới.

Tại châu Âu và Eurasia, tổng lượng tiêu thụ than các nước Nga, Đức, Ba Lan lần lượt là: 88,7; 78,3; và 49,8 triệu TOE, tương ứng khoảng 166,0; 150,1 và 102,7 triệu tấn; chiếm tương ứng 2,3%; 2,0% và 1,3% tổng than tiêu thụ thế giới.

Vì những ưu điểm của khoáng sản than như nguồn tiềm năng dồi dào, giá thành rẻ nên than chiếm 29,2%, đứng thứ hai trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của toàn thế giới năm 2015 (dầu 33,0%; khí tự nhiên 23,0%; thủy điện 6,8%; năng lượng hạt nhân 4,4% và năng lượng tái tạo khác 2,8%).

Nhìn chung, việc sử dụng than chủ yếu tùy thuộc vào tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng và khả năng tiếp cận nguồn dầu mỏ, khí đốt của từng nước. Các nước có tỷ trọng sử dụng than cao trong tổng sử dụng năng lượng sơ cấp thường là những nước có nguồn tài nguyên than dồi dào so với các nguồn tài nguyên năng lượng khác.

Chẳng hạn như tỷ lệ sử dụng than trong tổng sử dụng năng lượng sơ cấp năm 2015 của Nam Phi 68,4%; Trung Quốc là 63,7%; Kazắcxtan 59,5%; Ấn Độ 58,2%; Ba Lan 52,4%; CH Séc 39,4%; Australia 35,5%; Ukraina 34,3%; CHLB Đức 24,4% (chỉ sau dầu là 34,4%)…

Toàn bộ châu Á – Thái Bình Dương là 50,9%. Thậm chí một số nước không có, hoặc có tài nguyên than rất ít nhưng vẫn có tỷ trọng sử dụng than cao như: Đài Loan 34,1%; Hàn Quốc 30,5%; Nhận Bản 26,6%.

Ngay như Mỹ tỷ lệ sử dụng than chiếm tới 17,4% (chỉ sau dầu 37,4% và khí tự nhiên 31,3%). Hoặc nước Anh, sản lượng than khai thác trong nước chỉ 5,3 triệu TOE (bằng khoảng 8,4 triệu tấn than) nhưng tiêu thụ than tới 23,4 triệu TOE, chiếm khoảng 12,2% tổng sử dụng năng lượng sơ cấp (chỉ sau dầu 37,5% và khí tự nhiên 32,1%).

Than chủ yếu dùng cho sản xuất điện. Hiện nay, nhiệt điện than vẫn là nguồn điện năng chủ yếu của thế giới, chiếm khoảng 41,2% tổng sản lượng điện, tiếp theo là khí 22,7%, thủy năng 16,8%, năng lượng hạt nhân 10,7%, dầu 4,8% và các nguồn năng lượng tái tạo khác 6,7%.

Các nước có tỷ lệ nhiệt điện than lớn như: Trung Quốc 79%, Ấn Độ 67,9%, Australia 68,6%, Hàn Quốc 43,2%, Mỹ 39%, Đức, Ba Lan…

Đặc biệt là một số nước như Hàn Quốc – mặc dù trữ lượng than trong nước rất ít, sản lượng hàng năm chỉ khoảng 0,8 triệu TOE (bằng khoảng 1,8 triệu tấn), nguồn than chủ yếu từ nhập khẩu (khoảng 84 triệu TOE), nhưng có tỷ lệ nhiệt điện than cao, tới 43,2%. Hoặc Nhật Bản, hàng năm sản lượng than khai thác trong nước khoảng 0,6 triệu TOE (bằng khoảng 1,17 triệu tấn) nhưng tiêu thụ tới gần 120 triệu TOE, tương ứng khoảng 160-170 triệu tấn than và Đài Loan (Trung Quốc) tiêu thụ tới 38 triệu TOE, toàn bộ đều từ nguồn than nhập khẩu.

c. Dự báo sản lượng tiêu thụ than đến năm 2035

Sản lượng và nhu cầu tiêu thụ than thế giới vẫn tiếp tục gia tăng, chủ yếu do sự gia tăng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các khu vực khác (châu Phi, Trung – Nam Mỹ); khu vực châu Âu và Eurasia có sự giảm nhẹ, còn tại khu vực Bắc Mỹ giảm mạnh.

 Sản lượng và nhu cầu tiêu thụ than thế giới vẫn tiếp tục gia tăng, chủ yếu do sự gia tăng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các khu vực khác (châu Phi, Trung – Nam Mỹ); khu vực châu Âu và Eurasia có sự giảm nhẹ, còn tại khu vực Bắc Mỹ giảm mạnh.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương cầu luôn vượt cung, phải nhập khẩu từ ngoài khu vực – chủ yếu là Bắc Mỹ và các khu vực khác. Riêng châu Âu và Eurasia cho đến năm 2030 vẫn phải nhập khẩu than, tuy có sự giảm dần và sau 2030 sẽ cân đối được cung cầu.

Tuy nhiên, xét theo chủng loại than cụ thể thì cung cầu trong từng khu vực, nhất là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu và Eurasia vẫn có sự thừa, thiếu cho nên việc xuất, nhập khẩu than giữa các khu vực trên thế giới vẫn diễn ra.

4.Thị trường than của ASEAN

Thời gian 30 năm vừa qua, thị trường xuất khẩu than của các nước Đông Nam Á (ASEAN) với 3 nhà xuất khẩu chủ yếu là Indonesia, Malaysia và Việt Nam phát triển tương đối nhanh. Đặc biệt, khối lượng than xuất khẩu của Indonesia đã tăng mạnh.

Gần đây, thị trường nhập khẩu than của ASEAN tuy còn đang trong giai đoạn hình thành, nhưng có nhu cầu phát triển rất nhanh. Thị phần than nhập khẩu năm 2016 của ASEAN chỉ khoảng 8% (tương đương với 70 triệu tấn). Trong khi đó, chỉ riêng 5 nhà nhập khẩu than lớn nhất thế giới (Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, và Đài Loan) đã nhập khẩu hơn 600 triệu tấn, chiếm hơn 70% khối lượng than nhập khẩu của thế giới.

Trong khối ASEAN, các nước có ngành công nghiệp than chủ yếu là Thái Lan, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia. Mặc dù Indonesia là nước xuất khẩu than lớn nhất, nhưng nhu cầu than trong nước của Indonesia (đang ngày càng tăng lên) có ảnh hưởng đáng kể đến cân bằng cung – cầu than của châu Á và của ASEAN trong các thập kỷ tới.

Cho đến trước khi Việt Nam tham gia tích cực vào việc nhập khẩu than (năm 2015), các nền kinh tế của ASEAN có nhu cầu nhập khẩu than lớn là Thailand, Malaysia, và Philippines.

Tổng khối lượng than nhập khẩu của ASEAN (không tính Việt Nam và Indonesia) trong thời gian qua đã tăng lên tương đối nhanh, từ 49 triệu tấn (năm 2009) lên 71 triệu tấn (năm 2015). Trong đó, nguồn xuất khẩu chủ yếu từ Indonesia (chiếm 82-95%), Australia (3-14%), Nam Phi và Nga (2-5%).

Theo dự báo của EIA, thị phần này sẽ gần như được duy trì trong tương lai gần. Trong đó, Indonesia sẽ vẫn chiếm tỷ trọng hơn 80% trong nguồn cung cấp than nhập khẩu cho các nước ASEAN vì có lợi thế rất quan trọng về cảng xuất than và dịch vụ logistic. Cung độ vận chuyển than bằng đường bộ từ các mỏ ra cảng không quá lớn (so với Australia và Nga). Điều kiện xây dựng các cảng than thuận lợi.

Tuy nhiên, do nhu cầu nhập khẩu than của Trung Quốc đang giảm nhanh, nên Australia – nước xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, sẽ gia tăng việc bán than vào thị trường ASEAN để duy trì sản lượng khai thác của mình. Đồng thời, Trung Quốc cũng có khả năng sẽ xuất khẩu than vào các nước ASEAN.

Ngoài ra, than Nga và than Nam Phi cũng có khả năng cạnh tranh về chất lượng trên thị trường ASEAN. Vì vậy, với cước phí vận tải biển đang ở mức độ thấp như thời gian qua, việc xuất khẩu than của Indonesia sẽ ngày càng khó cạnh tranh hơn. Khối lượng than xuất khẩu của Indonesia đang có nguy cơ giảm.

Bắt đầu tư năm 2016, Việt Nam đã xuất hiện tương đối rõ nét trên bản đồ nhập khẩu than của khu vực ASEAN. Trong tương lai gần, Myanmar cũng sẽ xuất hiện như một nhà nhập khẩu than tương đối lớn.

Như vậy, trong tương lai, các nước nhập khẩu than lớn của ASEAN sẽ là Thailand, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Indonesia

Indonesia là quốc gia duy nhất trong ASEN có điều kiện phát triển ngành công nghiệp than tương đối thuận lợi. Với trữ lượng than (coal reserves) khoảng 32 tỷ tấn có thể khai thác bằng công nghệ lộ thiên có chi phí khá thấp, nằm không xa bờ biển, có điều kiện dịch vụ hậu cần thuận lợi, Indonesia là quốc gia sản xuất than hiệu quả nhất. Với vị trí địa lý nằm không xa các nước trong khu vực, Indonesia là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới (tính theo khối lượng). Năm 2014, tổng khối lượng than xuất khẩu của Indonesia đạt mức 410 triệu tấn, trong đó, than năng lượng 408 triệu tấn và than luyện coke 2 triệu tấn.

Trong khi thị trường than trong khu vực đang tăng nhanh, Indonesia là nguồn chính cung cấp than nhiệt năng trung bình và thấp cho các nước như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan nhờ có chi phí vận tải biển tương đối thấp.

Khách hàng mua than của Indonesia là các công ty phát điện. Trong đó, các công ty phát điện lớn thường mua than của Indonesia theo các hợp đồng dài hạn (long term contract) và hợp đồng hàng năm (annual contract). Các khách hàng trung bình thường mua theo hợp đồng hàng năm và hợp đồng bán lẻ (spot contract). Các khách hàng nhỏ thường mua than theo hợp đồng bán lẻ và hợp đồng trung hạn (medium term contract).

Thị trường than giao ngay (spot market) của Indonesia là thị trường sôi động nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh và có xu hướng giao dịch khối lượng lớn. Các khách hàng thường mua than theo nhu cầu hàng tuần, hoặc hàng ngày của mình.

Là quốc gia có sản lượng than khai thác và xuất khẩu lớn nhất trong ASEAN, nhưng nhu cầu than trong nước của Indonesia là một đại lượng tương đối bất định. Trong giai đoạn 2015 – 2020, Indonesia đặt mục tiêu tương đối thực tế là tăng trưởng GDP khoảng 6 – 7%/năm, và tăng trưởng tiêu dùng điện khoảng 8%/năm. Năm 2012, tổng nhu cầu sử dụng điện của Indonesia khoảng 174 TWh. Dự kiến đến năm 2020, tổng nhu cầu điện sẽ đạt mức 334 TWh. Indonesia có kế hoạch đầy tham vọng xây dựng 35GW công suất phát điện trong vòng 20 năm tới. Như vậy, nhu cầu than cho điện của Indonesia đang tăng lên trong thập kỷ tới.

Thái Lan

Là nước có dân số khoảng 67 triệu người, có GDP bình quân đầu người khoảng 15.580 USD/năm (tính theo sức mua), mức tiêu dùng điện bình quân đầu người khoảng 2.465 kWh/2014. Nguồn điện chủ yếu của Thailand là khí nhập khẩu, với tổng công suất lắp đặt khoảng 33 GW. Trong đó, nguồn khí mua của Myanmar chiếm khoảng 70%. Tổng công ty phát điện Thailand (EGAT) là doanh nghiệp nhà nước chiếm 45% sản lượng điện của Thailand. Hiện nay, tỷ trọng nhiệt điện dùng than chiếm khoảng 10%. Nhiều khả năng, đến năm 2020 các nguồn trữ lượng khí trong nước của Thailand sẽ hết và các nhà cung cấp chính của Thailand cũng như của Myanmar sẽ dự trữ khí cho nhu cầu của mình. Trong tương lai, công suất của các nguồn tái tạo sẽ tăng, nhưng điện từ năng lượng than sơ cấp vẫn là nguồn an toàn và ổn định. Đến năm 2030, tổng công suất các NMNĐ chạy than mới sẽ được xây dựng khoảng 4,5 GW.

Ngoài việc nhập khẩu than cho điện, Thailand cũng đang nhập khẩu than cho xi măng và cho chất đốt sinh hoạt. Tổng lượng than nhập khẩu năm 2016 của Thailand khoàng 22 triệu tấn, trong đó có 19 triệu tấn nhập từ Indonesia.

Myanmar

Theo Bộ Điện lực, tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện sẽ tăng từ 4,4 GW (năm 2014) lên 24 GW vào năm 2030 để đảm bảo cung cấp đầy đủ điện cho cả nước (năm 2014, số người dân được cung cấp điện lưới chỉ có 20%). Năm 2015, chính phủ Myanmar đã cho điều chỉnh một cách cơ bản luật mỏ của mình để thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khi luật mỏ không mang lại kết quả như mong đợi, nhưng ngành khai thác mỏ của Myanmar hiện nay có thể cạnh tranh được với Indonesia về vốn đầu tư nước ngoài vì các chính sách hỗ trợ và bảo vệ các nhà đầu tư trong ngành mỏ của Indonesia hiện vẫn còn bị hạn chế.

Malaysia

Là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thần kỳ bình quân 6,5%/năm trong vòng gần 50 năm (từ năm 1957 đến 2005) kể khi được độc lập. Cho đến hiện nay, với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 6%/năm, Malaysia với Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Petronas nổi tiếng lâu nay đang là quốc gia xuất khẩu dầu, có GDP bình quân đầu người (tính theo sức mua) đạt 24.500 USD/năm, mức tiêu dùng điện năng bình quân 4.345 kWh/người/năm 2014.

Malaysia với 30 triệu dân đang là quốc gia có trình độ phát triển cao trong khối ASEN chỉ đứng sau Singapore. Malaysia có mức tiêu dùng điện tính theo đầu người cao hơn 1,8 lần so với Thailand và cao hơn 6 lần so với Indonesia mà cũng chỉ dựa vào một doanh nghiệp có tên gọi là Tenaga Nasional Berhad (TNB) – là một trong những doanh nghiệp lớn nhất của ASEAN.

Năm 2014, sản lượng điện của Malaysia từ than chiếm 47%, từ khí chiếm 49%. Tổng công suất phát điện lắp đặt của Malaysia khoảng 25 GW, trong đó có 8 GW chạy than.

Theo dự báo của TNB, sản lượng điện từ than sẽ tăng cả về giá trị tuyệt đối và tương đối. Đến năm 2020, với giá khí như hiện nay, trong cân bằng năng lượng sơ cấp của Malaysia, tỷ trọng của than sẽ tăng tới 63%, tỷ trọng của khí sẽ giảm còn 33%. Năm 2016, Malaysia đã nhập hơn 26 triệu tấn than (70% từ Indonesia, 25% từ Australia, và 5% từ Nam Phi). Riêng TNB cũng đã nhập 23 triệu tấn than vào năm 2016. Dự kiến, tổng số than nhập khẩu của Malaysia sẽ đạt hơn 40 triệu tấn vào năm 2020.

Philippines

GDP bình quân đầu người (tính theo sức mua) của Philippines khoảng 6.975$, và mức tiêu dùng điện bình quân 670 kWh/người/năm (2014). Tuy mức độ phát triển chậm hơn so với Malaysia và Thailand, nhưng với 7.100 hòn đảo và dân số khoảng 100 triệu người (đứng thứ 12 trên thế giới) Philippines có mức độ điện khí hóa rất nhanh.

Năm 2015, tổng công suất điện của Philippines là 18,5 GW, trong đó 5963 MW là nhiệt điện than (tỷ trọng 32%). Chính phủ Philippines sẽ cho tăng tỷ trọng của nhiệt điện than lên đáng kể. Đến hết 2018, Philippines sẽ đưa thêm 10 nhà máy nhiệt điện chạy than (đang được xây dựng) vào hoạt động với tổng công suất 3,4 GW. Ngoài ra, có 25 NMNĐ chạy than với tổng công suất 12 GW đã được đưa vào kế hoạch xây dựng bổ sung.

Cũng như các nước khác, Philippines sẽ bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo trong các thập kỷ tới. Tuy nhiên, hiện nay than vẫn là nguồn năng lượng rẻ tiền và đáng tin cậy nhất. Tổng nhu cầu than của Philippines sẽ tăng từ khoảng 20 triệu tấn hiện nay lên 35÷40 triệu tấn vào các năm 2025÷2035. Hiện nay, hàng năm khối lượng than nhập khẩu của Philippines khoảng hơn 10 triệu tấn, và khai thác trong nước khoảng 9 triệu tấn.

Như vậy, ngoài 9 triệu tấn khai thác trong nước (chủ yếu của Tổng công ty than và điện Semirara), trong tương lai gần, lượng than nhập khẩu của Philippines sẽ đạt 30 triệu tấn/năm. Nhờ vị trí địa lý gần, phần lớn than được nhập khẩu từ Indonessia. Tổng nguồn tài nguyên than dự tính của Philippines khoảng 2,4 tỷ tấn là cơ sở để nâng sản lượng than khai thác nội địa trong tương lai.

  1. Tình hình thị trường giá cả

Than, một trong những hàng hóa đó chịu áp lực mạnh nhất trong bối cảnh giá tài nguyên khoáng sản đang chịu nhiều tác động. Cả than nhiệt trị lẫn than luyện kim đều giảm mạnh trong những năm qua, ngay cả khi phát điện bằng than nhiệt trị vẫn chiếm khoảng 41% trong tổng phát điện của thế giới, còn than luyện kim vẫn rất quan trọng cho sản xuất thép.

Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc là những nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh giá dầu thô ở mức thấp, giá than luyện kim chịu tác động chủ yếu bởi nhu cầu của Trung Quốc suy giảm: Ngành công nghiệp thép nước này cắt giảm sản lượng, trong khi chính phủ Trung Quốc nâng cao thuế nhập khẩu và đưa ra những quy định mới về chất lượng than, để giảm áp lực lên môi trường từ các nhà máy nhiệt điện than. Năm 2015, nhập khẩu than của Trung Quốc đã giảm tới 30%, mức 204 triệu tấn so với năm 2014.

Tình trạng cung vượt quá cầu trên thị trường than thế giới và việc sụt giảm giá than tới mức thấp nhất trong bảy năm qua đã khiến cho các công ty khai thác than và các nước xuất khẩu than gặp nhiều khó khăn. Giá than suy giảm đã khiến một số công ty than lớn ở Mỹ, như Alpha Natural Resources,Walter Energy và Patriot Coal, phải nộp đơn xin phá sản. Sản lượng khai thác than của Indonesia cũng chịu tác động không nhỏ bởi yếu tố này. Theo Chủ tịch Hiệp hội khai thác than Indonesia, năm 2015, sản lượng đã giảm 14% so với năm 2014, chỉ đạt khoảng 392 triệu tấn. Con số này giảm đáng kể so với mục tiêu đề ra hồi đầu năm là 460 triệu tấn và cũng giảm so với mục tiêu điều chỉnh là 425 triệu tấn. Lượng than xuất khẩu của nước này trong năm 2015 cũng giảm 23% so với năm 2014, xuống còn 295 triệu tấn, do nhu cầu tại một số thị trường chính như Trung Quốc và Ấn Độ giảm. Trước các diến biến của thị trường, theo ông Sjahir, con số này có thể sụt giảm thêm 15%, xuống dưới 250 triệu tấn trong năm 2016.

Than xuất khẩu của Indonesia giảm 50 triệu tấn trong năm 2015 do thị trường sụt giảm và nền kinh tế của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Việc xuất khẩu than của Indonesia sang Ấn Độ sụt giảm xuống khoảng 165 triệu tấn năm 2015 đã mở ra một cơ hội lớn cho Nam Phi. Than của Nam Phi có chất lượng cao, có thể cạnh tranh về giá đối với than của Indonesia do giá vận chuyển thấp bởi lợi thế của cảng RBCT, góp phần giảm bớt chi phí vận tải đồng thời trợ giúp cho các nhà sản xuất than của Nam Phi hoàn tất cơ chế giá đối với khách hàng Ấn Độ, đủ khả năng cạnh tranh với các đối thủ từ Australia, Columbia và Nga. Sau khi đạt kỷ lục xuất khẩu 75,4 triệu tấn than, hiện Nam Phi đang có khả năng xuất khẩu than sang Ấn Độ. Số liệu của cơ quan tư vấn IHS cho thấy, trong năm 2015, khoảng 36 triệu tấn than của Nam Phi đã được xuất khẩu qua cảng Richards Bay Coal Terminal (RBCT) cho một hộ tiêu thụ than lớn của Ấn Độ, tăng so với con số 30 triệu tấn của năm 2014.

Sau hơn 5 năm khủng hoảng, bắt đầu từ năm 2011, giá than thế giới liên tục giảm giá và trở thành mặt hàng ít được chú ý nhất trên thị trường. Tính đến đầu năm 2016, giá than thế giới đã giảm tới 75%, giao động quanh mốc 50-58 USD/ tấn. Nguyên nhân được cho là do nguồn cung vẫn dồi dào trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ than thế giới suy giảm, đặc biệt từ hai nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.Gần đây giá than tăng khá mạnh trên thị trƣờng thế giới. Cụ thể từ tháng 8 tới tháng 11/2016, giá than cốc (luyện kim) tăng gần 3 lần, đạt tới hơn 300 USD/tấn, giá than nhiệt năm 2016 tăng từ 58USD lên 66 USD/met tấn đến quý 3 năm 2017 giá than nhiệt 85 USD/mét tấn. Nguyên nhân chính được cho là đến từ (1) Trung Quốc chủ động cắt giảm công suất sản xuất than, giảm số ngày khai thác từ 330 ngày/năm về còn 270 ngày/năm, mục tiêu hạ công suất sản xuất than xuống 1 tỷ tấn/năm cho tới 2020, (2) Tình hình thời tiết không ổn định, hiệu ứng Lanina xảy ra, khiến môi trường ẩm ướt và nhiều mưa lũ khiến sản xuất đình trệ tại các khu mỏ than cám của Indonesia và than cốc của Úc, (3) Sản lượng tại Bắc Mỹ (nhà sản xuất thứ 4 thế giới) sụt giảm gần 50% trong 6 tháng/2016 Tuy nhiên, giá than nhập khẩu trung bình tại Việt Nam chưa có nhiều biến động mạnh. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá than đá nhập khẩu trong nửa đầu tháng 10/2016 tăng khoảng 5,4% so với nửa đầu tháng 6/2016. Trong đó, than chủ yếu nhập từ Úc (31%), Nga (29%) và Trung Quốc (14%).

 

Việc giá than quốc tế tăng mạnh đã bắt đầu ảnh hưởng tới giá than trong nước. Theo thông tin từ trang Năng lượng Việt Nam ngày 10/11/2016, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam vừa quyết định điều chỉnh tăng nhẹ khoảng 6% đối với giá bán một số chủng loại than cám tại thị trường trong nước, bao gồm than 1, 2, 3, 6, 7a, 7b, và 7c. Mặt hàng than chia làm 2 loại chính bao gồm than cốc (luyện thép, buộc phải nhập khẩu hoàn toàn từ Úc và Nga) và than nhiệt (vận hành nhà máy nhiệt điện và gạch ốp lát, bao gồm than cám và than cục, nhập trong nước có thể sản xuất, do TKV phân phối). Phòng phân tích VCBS nhìn nhận trái chiều về triển vọng 2 loại mặt hàng than này, trong đó than cốc được dự báo sẽ giảm trở lại, trong khi than nhiệt tiếp tục duy trì ở mức cao. Than cốc được kỳ vọng giảm do (1) sản lượng xuất khẩu tại Úc (nhà sản xuất than cốc lớn của thế giới) sẽ hồi phục khi các sự cố sập hầm và trật đường ray tại cảng Abott Point được khắc phục và thời tiết thuận lợi hơn giúp cho các mỏ vận hành bình thường trở lại, (2) nhu cầu sử dụng than cốc tại Trung Quốc sụt giảm sẽ phần nào cân đối lại nguồn cung đang trong lộ trình cắt giảm. Chúng tôi kì vọng chênh lệch cung-cầu sẽ tăng nhẹ lên 28 triệu tấn trong năm 2017. Giá than cốc giảm trở lại sẽ giúp cho chi phí sản xuất của các doanh nghiệp thép lò cao như HPG thấp trở lại. Trong khi đó, than nhiệt được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao bởi sụt giảm trong công suất sản xuất tại Indonesia (nhà sản xuất than nhiệt lớn nhất thế giới) do thiên tai và chi phí tài chính quá lớn khiến các nhà khai mỏ cỡ vừa và nhỏ gặp khó khăn phải đóng cửa, đồng thời xuất khẩu than tại Mỹ sẽ giảm mạnh trong năm tới khi nhà sản xuất than tư nhân lớn nhất thế giới là Peabody Energy (US) phá sản trong tháng 4/2016, trong khi đó, sản lượng tiêu thụ nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ không có sự biến động lớn, theo đó mức dư cung sẽ được thu hẹp lại về 192 triệu tấn trong năm 2017.

  1. Triển vọng nghành than ở Việt Nam

Từ giữa năm 2016, giá than thế giới bắt đầu phục hồi trở lại sau 5 năm giảm liên tục, từ mốc 50-58 USD/ tấn, đạt đỉnh cao nhất là 110 USD/ tấn và hiện tại đang giao động ở mốc 70-80 USD/ tấn. Mức giá này được cho là đã tiệm cận với giá bán than trong nước.

Theo tính toán của TKV, để khai thác được 1 tấn than lộ thiên hiện nay phải bóc xúc 10,7m3 đất đá. Với chi phí bình quân khoảng 80.000 đồng/m3 đất đá thì 1 tấn than phải chi phí 856.000 đồng tiền bóc xúc đất đá. Cộng với chi phí bơm nước, chi phí sàng tuyển, thuế tài nguyên… thì giá than thành phẩm sẽ khoảng gần 1,4 triệu đồng/tấn.

Theo diễn biến giá than thế giới, từ cuối năm 2016, TKV cũng đã thông báo điều chỉnh giá bán một số chủng loại than tại thị trường trong nước. Trong đó, than cám như 02-C1, 02-C2, 03-C3A/B và 7A/B/C được điều chỉnh tăng khoảng 6%.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, cơ chế chính sách được cho là có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho ngành Than. Đặc biệt, để giảm lượng than tồn kho, vừa qua, Chính phủ đã chính thức cho phép TKV tăng sản lượng xuất khẩu đối với các loại than chất lượng cao mà hiện tại thị trường nội địa chưa có nhu cầu hoặc có nhu cầu rất thấp theo giai đoạn 2017-2020.

Trên cơ sở đó, TKV căn cứ vào tình hình sản xuất, tỷ lệ cung – cầu để cân đối sản lượng than xuất khẩu. Riêng năm 2017, Tập đoàn sẽ thực hiện xuất khẩu 2 triệu tấn than đá có nhiệt lượng cao tại khu vực Vàng Danh, Nam Mẫu.

Tình hình tiêu thụ cũng trở nên tích cực hơn khi ngành than được Chính phủ giao nhiệm vụ tăng cường sản xuất thêm 2 triệu tấn than để đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước.

Ngoài ra, bên cạnh việc ký kết hợp đồng tiêu thụ với đối tác nước ngoài thì thị trường trong nước đã có dấu hiệu tốt trở lại. Dự kiến trong năm nay, Tập đoàn sẽ tiêu thụ 36 triệu tấn than, tăng 1 triệu tấn so với năm 2016. Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt trên 34 triệu tấn, xuất khẩu 2 triệu tấn than.

Giai đoạn 2011 – 2016, lượng than tiêu thụ ở Việt Nam tăng rất nhanh, tốc độ tăng bình quân là 14.74%/năm. Năm 2011 lượng than tiêu thụ đạt 30.5 triệu tấn; năm 2012 tăng lên 31 triệu tấn; năm 2013 tăng lên 31.3 triệu tấn; năm 2014 là 34.5 triệu tấn; năm 2015 là 40 triệu tấn; năm 2016 đạt 48 triệu tấn.

Trong năm 2017, tình hình tiêu thụ than bắt đầu có tín hiệu tốt từ tháng 3. Tổng số than tiêu thụ trong quý I đạt 8,6 triệu tấn, bằng 24% kế hoạch, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, than tiêu thụ trong nước đạt 8,4 triệu tấn, xuất khẩu đạt 185 ngàn tấn. Doanh thu từ than đạt gần 13 ngàn tỷ đồng. Trong những ngày đầu tháng 4, bình quân mỗi ngày Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tiêu thụ được từ 100.000 – 120.000 tấn.

Trong quý II/2017 và thời gian tới, Tập đoàn vẫn tập trung chỉ đạo điều hành sản xuất theo nhu cầu thị trường, đầu tư hợp lý phát triển bền vững các ngành nghề than, khoáng sản, điện lực; Tiếp tục hoàn thiện tái cơ cấu, trọng tâm là tái cơ cấu kỹ thuật, đổi mới công nghệ; Hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý, tinh giản lao động để tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm…

Trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2016, xuất nhập khẩu than đá diễn biến ngược chiều nhau. Trong khi sản lượng xuất khẩu than giảm rõ rệt từ 25 triệu tấn (năm 2009) chỉ còn 1.28 triệu tấn (năm 2016), sản lượng than nhập khẩu bắt đầu tăng từ 0.26 triệu tấn (năm 2013) lên đến 13.33 triệu tấn (năm 2016).

Diễn biến giảm xuất khẩu than đá được cho là phù hợp với định hướng hạn chế xuất khẩu của Chính phủ để đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ nhu cầu trong nước ngày càng lớn. Bên cạnh đó, giá bán than của TKV ở mức cao, thiếu cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Xu hướng nhập khẩu than tăng nhanh trong những năm gần đây do giá than nhập khẩu thấp hơn giá than trong nước và loại than trong nước chưa đáp ứng được hết nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Do đó ngành than tồn tại nghịch lý nhập khẩu than gia tăng trong khi tồn kho sản xuất trong nước lớn.

Kết luận

Tài nguyên than là tài nguyên năng lượng không tái tạo, nhưng lại có vai trò rất lớn trong chính sách an ninh năng lượng quốc gia. Trên thế giới than chủ yếu tiêu thụ trong nghành điện.

Trên thế giới than được khai thác nhiều ở châu Á – Thái Bình Dương chiếm 70,6% sản lượng than trên thế giới. Ngoài ra Châu Á –Thái Bình Dương cũng là khu vực tiêu thụ than lớn nhất, đứng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ

Thị trường than trên thế giới có nhiều biến động lớn, từ năm 2011 đến năm 2015 thị trường than ảm đạm giá than liên tục giảm làm cho nhiều nhà máy phải tuyên bố đóng cửa, tuy nhiên từ đầu năm 2016 đến nay giá than bắt đầu tăng nhanh, đây là tín hiệu đáng mừng cho nghành khai thác than trên thế giới.

Nhu cầu than thế giới ngày càng tăng cao dụ báo nhu cầu than thê giới năm 2035 tăng 35% so với năm 2015 mà nguyên nhân chính là do khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang đẩy mạnh phát triển nhiệt điện với nhiều nhà máy nhiệt điện ra đời dẫn đến nhu cầu than cho nghành này càng tăng cao.

Sản lượng than tiêu thụ ở Việt Nam trong những năm qua tăng rất nhanh dẫn đên nhu cầu nhập khẩu than ngày càng nhiều mà nguyên nhân một phần do giá than trong nước cao hơn giá than nhập.

 

Bài trướcBản tin kinh tế địa chất – nguyên liệu khoáng Quý III
Bài tiếp theoLễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Cục bảo tồn Đất và Nước Đài Loan, Trung Quốc với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam