Giới thiệu về mạng lưới công viên địa chất toàn cầu Việt Nam

51

Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu Việt Nam (Vietnam Global Geopark Network-VGGN) đã khởi động hình thành từ năm 2016 tại Hội thảo quốc tế về CVĐC do Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đồng tổ chức ở Đồng Văn, Hà Giang nhằm mục đích giới thiệu quảng bá CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và phát triển mô hình CVĐC Việt Nam. Tuy nhiên vì khi đó VGGN còn non trẻ với thực tế mới chỉ có duy nhất CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, nên các hoạt động của VGGN trong thời gian đó cùng là các hoạt động Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Toàn cầu Việt Nam được Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam thành lập năm 2016.

Theo quy định của Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu (Global Geopark Network-GGN), bất kỳ một CVĐC nào muốn gia nhập GGN cần phải là CVĐC cấp Quốc gia và đã hoạt động trên một năm.  Vì vậy các CVĐC Việt Nam tham gia VGGN là rất cần thiết để VGGN và Tiểu ban chuyên môn CVĐC Toàn cầu Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ đánh giá sơ bộ tiềm năng, lợi thế và cơ hội của CVĐC Việt Nam để được UNESCO thẩm định, xem xét và công nhận là CVĐC Toàn cầu UNESCO, gia nhập GGN.

Do đó, VGGN thành lập nhằm đạt được các quy định của GGN, đồng thời chia sẻ các mục tiêu, nguồn lực và chiến lược để bảo tồn và phát triển bền vững các CVĐC Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản địa chất và phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam.

Sứ mệnh của VGGN là bảo tồn di sản địa chất Việt Nam, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu Việt Nam, giáo dục phát triển bền vững từ mô hình CVĐC Việt Nam, phát triển bền vững du lịch địa chất Việt Nam, bảo vệ đa dạng sinh học Việt Nam, thúc đẩy sinh kế bền vững trong vùng CVĐC Việt Nam, xây dựng năng lực phát triển bền vững CVĐC Việt Nam, nâng cao năng lực phụ nữ, sử dụng tối ưu tài nguyên tự nhiên, nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy giá trị di sản văn hóa và di sản phi vật thể, giảm thiểu tai biến tự nhiên, phát triển bền vững, nâng cao kiến thức địa phương, phát triển mạng lưới đối tác và cộng sự, thẩm định và điều phối các CVĐC Việt Nam.

Năm 2019 VGGN bao gồm 04 thành viên: CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, CVĐC Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng, CVĐC Toàn cầu UNESCO Đắk Nông, và CVĐC Lý Sơn – Sa Huỳnh. Chủ tịch đầu tiên của VGGN là Trưởng ban Quản lý CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn.

Hội nghị thường niên của Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Việt Nam năm 2021 được tổ chức tại Đắk Nông với sự tham dự của các Ban Quản lý CVĐC Đồng Văn, Non Nước Cao Bằng, Đắk Nông…

Tại Hội nghị thường niên của Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Việt Nam năm 2022 tại Cao Bằng, VGGN kết nạp thêm một thành viên mới là CVĐC Lạng Sơn.

Tại Hội nghị thường niên của Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Việt Nam năm 2023 được tổ chức tại Lạng Sơn với sự tham dự của các Ban quản lý CVĐC Đồng Văn, Non Nước Cao Bằng, Đắk Nông và Lạng Sơn.

Hiện nay, Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Toàn cầu Việt Nam đặt tại Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, là đầu mối chính thức và duy nhất điều phối các hoạt động quản lý và phát triển VGGN.

Tại hội nghị Mạng lưới CVĐC Toàn cầu Châu Á-Thái Bình Dương (Asian Pacific Global Geopark Network-APGN) lần thứ 8 tổ chức tại Cao Bằng vào tháng 9 năm 2024, VGGN kết nạp thêm một thành viên mới là CVĐC Phú Yên. Như vậy VGGN sẽ bao gồm 06 thành viên: CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, CVĐC Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng, CVĐC Toàn cầu UNESCO Đắk Nông, CVĐC Lạng Sơn, CVĐC Lý Sơn – Sa Huỳnh và CVĐC Phú Yên.

Hàng năm, VGGN có các hoạt động như trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong các cuộc họp, hội nghị và/hoặc hội thảo hàng năm về CVĐC do UNESCO, Mạng lưới CVĐC Châu Á-Thái Bình Dương (APGN), Mạng lưới CVĐC Châu Âu (EGN), GGN tổ chức; Các hoạt động xây dựng năng lực, các dự án chung, tham gia hội chợ du lịch quốc gia, quảng bá và tiếp thị hoạt động và ấn phẩm chung…Đặc biệt là VGGN tham gia hội nghị thường niên hàng năm do Tiểu ban chuyên về CVĐC Toàn cầu Việt Nam tổ chức luân phiên tại khu vực CVĐC như ở Đồng Văn, Cao Bằng, Đắk Nông, Lạng Sơn, Phú Yên v.v.

Tại Hội nghị chuyên đề về VGGN do Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Toàn cầu Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4 năm 2024, Mô hình VGGN đã được thảo luận và nhất trí hướng tới như sau:

– VGGN gồm các thành viên là các CVĐC Toàn cầu UNESCO Việt Nam và các CVĐC của Việt Nam. VGGN giúp điều phối các hoạt động của GGN, APZN ở Việt Nam nhằm trao đổi thông tin và hợp tác giữa các CVĐC Toàn cầu UNESCO Việt Nam và CVĐC của Việt Nam  và các chuyên gia Việt Nam tham gia các Hội đồng của của GGN, APZN v.v.

– VGGN sẽ thành lập một Ban điều hành, bầu ra Chủ tịch, Phó chủ tịch, hoạt động theo Quy chế của VGGN. Chủ tịch, Phó chủ tịch đại diện cho VGGN trong Ban cố vấn GGN và Ban cố vấn APGN. Các CVĐC Toàn cầu UNESCO Việt Nam và các CVĐC Việt Nam sẽ nộp Báo cáo hoạt động thường niên cho Chủ tịch và Ban cố vấn của VGGN để VGGN gửi cho Ban chấp hành GGN chậm nhất vào 31/03 hàng năm.

– Các thành viên VGGN bao gồm: Trưởng, Phó ban Quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO; Trưởng, Phó ban Ban quản lý CVĐC Quốc gia; Các thành viên cá nhân là các chuyên gia thuộc Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Toàn cầu Việt Nam; Các thành viên danh dự là những người đã và đang có những đóng góp to lớn vào hoạt động của GGN, APGN, VGGN sống tại Việt Nam; Các thành viên cộng tác là các tổ chức, cơ quan hoặc cá nhân trong nước/Quốc tế quan tâm đến CVĐC, đã và đang hỗ trợ đáng kể về tài hoặc dưới các hình thức khác cho GGN, APGN, VGGN và đang hoạt động tại Việt Nam.

– Ban điều hành VGGN bao gồm: Các Ban quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO và các CVĐC Việt Nam cử 02 người đại diện cho đơn vị mình tham gia vào Ban điều hành VGN, trong đó một là Lãnh đạo Ban quản lý hoặc đại diện cho chính quyền địa phương hoặc là một chuyên gia trong các lĩnh vực phát triển, du lịch, nâng cao nhận thức cộng đồng, một là chuyên gia về các khoa học Trái Đất có kinh nghiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa chất thuộc Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Toản cầu Việt Nam.

– Cơ cấu của VGN bao gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch do Ban điều hành bầu. Các thành viên VGGN đã thỏa thuận việc bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch theo hình thức luân phiên nhiệm kỳ 02 năm. Chủ tịch, Phó chủ tịch VGGN sẽ tham gia hội đồng mạng lưới APGN và GGN theo giới thiệu của VGGN.

Tại Hội nghị mở rộng VGN do Tiểu ban chuyên môn về CVĐC Toàn cầu Việt Nam tổ chức tại Cao Bằng vào tháng 9 năm 2024, Các chức danh: Chủ tịch Mạng lưới VGN, Phó chủ tịch Mạng lưới VGN đã được thông qua bầu cử và nhất trí như sau:

– Ông Trần Tân Văn, Chủ tịch VGGN; Bà Trần Thị Bạch Vân, Phó chủ tịch VGGN;

– Ban điều hành bao gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, các Trưởng ban các CVĐC Toàn cầu UNESCO Việt Nam…;

– Thành viên của VGGN bao gồm: + Các CVĐC Toàn cầu UNESCO Việt Nam và các CVĐC của Việt Nam; + Các thành viên danh dự là những người đã và đang có những đóng góp to lớn vào hoạt động của GGN, APGN, VGGN sống tại Việt Nam; Các thành viên cộng tác là các tổ chức, cơ quan hoặc cá nhân trong nước/Quốc tế quan tâm đến CVĐC, đã và đang hỗ trợ đáng kể về tài hoặc dưới các hình thức khác cho GGN, APGN, VGGN và đang hoạt động tại Việt Nam.

Các hoạt động của VGGN hướng tới trong năm 2024 và 2025 bao gồm:

– Hoàn thiện Quy chế hoạt động, phối hợp của VGGN ở Việt Nam và các tổ chức liên quan; Hoàn thiện Ban điều hành của VGGN.

– Tham gia tích cực của tất cả các thành viên bằng các hoạt động cụ thể cho Hội nghị APGN tại Cao Bằng vào tháng 9 năm 2024 và Hội nghị GGN tại Chi Lê năm 2025.

– Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, thẩm định của VGGN trong Ban điều hành và Ban cố vấn GGN và APGN.

– Đẩy mạnh 10 hoạt động ở các CVĐC để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc của các Ban Quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO và các Ban Quản lý CVĐC Việt Nam.

– Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, thẩm định, đánh giá, nghiên cứu, điều tra về các CVĐC Việt Nam.

– Đẩy mạnh hoạt động thông tin, liên lạc, xuất bản các ấn phẩm thường kỳ về hoạt động của VGGN.

Về các công viên địa chất toàn cầu UNESCO của Việt Nam

Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận năm 2010

         CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở cực Bắc Việt Nam, cách Hà Nội hơn 320 km, thuộc tỉnh Hà Giang và có đường biên giới dài với Trung Quốc. CVĐCTCCNĐ Đồng Văn có tổng diện tích 2356km2 bao gồm địa giới hành chính của 4 huyện (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc). CVĐCTCCNĐ  Đồng Văn mang đặc trưng của miền núi phía Bắc, địa hình bị chia cắt mạnh có nhiều núi cao hiểm trở và nhiều thung lũng sâu, độ cao trung bình từ 1000 -1600m so với mặt nước biển.

         CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn có đặc điểm nổi bật với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, những vách núi dựng đứng cao vút, các chóp núi như những kim tự tháp, các trũng sâu hun hút, hang động và các vườn đá tạo nên vẻ đẹp lạ thường, có giá trị to lớn không chỉ về du lịch mà còn có giá trị rất lớn về khoa học và giáo dục.

         Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là địa bàn cư trú của 17 dân tộc anh em. Quá trình phát triển và gắn bó lâu dài của cư dân các dân tộc trên vùng cao nguyên đá đã để lại những dấu ấn văn hóa đậm nét tạo nên sự đặc sắc và phong phú của văn hóa nơi đây. Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử và sự phát triển về mọi mặt của xã hội, đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên đá vẫn luôn giữ gìn được giá trị bản sắc riêng với nhiều nét đặc trưng và quyến rũ.

Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận năm 2018

         Công viên Địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km, diện tích hơn 3000 km2, bao gồm 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Đây là nơi sinh sống của 9 dân tộc khác nhau, như Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay……

         CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, nơi bạn có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản…, đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái Đất. Chúng xứng đáng là những di sản địa chất đặc sắc.

         CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích Quốc gia Đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo – nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. CVĐC Non Nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với phong phú các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu.

Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông được UNESCO công nhận năm 2020

Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích hơn 4.700km2, nằm trải dài trên địa bàn 6 huyện, thị xã gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông. Với 65 điểm di sản địa chất, trong đó có 7 điểm di sản địa chất tầm quốc tế, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông hội tụ tất cả các giá trị tiêu biểu cả về địa chất, địa mạo, văn hóa cũng như đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.

Trong thời gian qua, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu không chỉ vì khung cảnh độc đáo mà còn vì các giá trị văn hóa lâu đời của các dân tộc. Đến với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, du khách được, khám phá, trải nghiệm hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan độc đáo, nguyên sơ vốn được xác lập kỷ lục dài nhất Đông Nam Á; Ngắm nhìn các thắng cảnh hoang sơ, hùng vĩ như núi lửa Băng Mo (huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Gleh R’luh (huyện Đắk Mil); Tham gia hành trình về nguồn tại các buôn làng của người Ê Đê, M’Nông với nhiều nét độc đáo của văn hóa bản địa; tham quan Vườn Quốc gia Tà Đùng với thắng cảnh Hồ Tà Đùng, vốn được ví là “Vịnh Hạ Long trên cao nguyên”…

Với hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, sự đa dạng sinh học, cùng nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là điểm đến lí tưởng cho những ai thích khám phá và trải nghiệm.

Công viên địa chất Lạng Sơn là công viên đã được UNESCO thẩm định hồ sơ xin công nhận là công viên địa chất Toàn cầu UNESCO năm 2024

 Ngày 13/12/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 2424/QĐ-UBND về việc thành lập Công viên địa chất Lạng Sơn. Công viên địa chất Lạng Sơn (tên tiếng Anh: Lang Son Geopark) có địa giới hành chính gốm 05 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng và Hữu Lũng với tổng diện tích 3.845,8km­2.

Việc thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của di sản địa chất và các loại hình di sản khác, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh – quốc phòng của khu vực công viên địa chất nói riêng, Lạng Sơn và các tỉnh Đông Bắc Việt Nam nói chung. Tỉnh Lạng Sơn, với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành trung ương đã xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO và đã được thẩm định danh hiệu CVĐCTC UNESCO.

Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh đang xây dựng hồ sơ công nhận là công viên địa chất Toàn cầu UNESCO

Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) được thành lập cuối năm 2015. Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh được mệnh danh là: ”Miền đất của sự chuyển động”.

Trải dài trên địa bàn 10 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi, Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh có tổng diện tích hơn 5.154km2, trong đó có 2.537km2 diện tích trên đất liền và 2.617km2 diện tích mặt biển, dân số trên 1 triệu người. Nơi đây tích hợp những giá trị địa chất kỳ thú, văn hóa đặc sắc và sinh học đa dạng.

Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh có mật độ di sản văn hóa dày đặc, là sự đan xen của nhiều nền văn hóa khác nhau. Đó là văn hóa thời đồ đá cũ và mới, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa và văn hóa Đại Việt. Riêng văn hóa Sa Huỳnh được biểu hiện rõ nhất qua di chỉ khảo cổ hồ Nước Trong, di tích khảo cổ Kho chum Sa Huỳnh, gò Ma Vương…, được các nhà khoa học nhận định có niên đại cách nay 3.000 năm.

 Về đa dạng sinh học, vùng biển thuộc Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh có trên 700 loài động, thực vật, trong đó có 4/5 loài rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới gồm: Rùa da, vích, đồi mồi và đồi mồi dứa. Ngoài ra, tại đây còn có nhiều loài động vật trên cạn quý hiếm được Sách đỏ Việt Nam ghi nhận cùng hàng trăm loài thực vật…

Công viên địa chất Phú Yên đang xây dựng hồ sơ xin công nhận là công viên địa chất Toàn cầu UNESCO

Công viên địa chất Phú Yên được thành lập vào tháng 8 năm 2024. Công viên địa chất Phú Yên nằm trên 7 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Phú Yên gồm: thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An và một phần diện tích thuộc các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Sơn Hòa. Tổng diện tích đất liền khoảng 1.927km2 và diện tích mặt nước vùng nội thủy khoảng 1.000km2 (tính từ bờ ra đến độ sâu khoảng 50m, bao gồm các đảo ven bờ). CVĐC Phú Yên có nhiều di sản địa chất, địa mạo độc đáo, phản ánh sự đa dạng địa chất và quá trình tương tác lục địa và đại dương.

CVĐC Phú Yên còn mang bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa đặc sắc với những công trình kiến trúc, các phong tục tập quán, các làng nghề truyền thống và ẩm thực phong phú. Nhiều báo cáo khoa học còn ghi nhận được sự đa dạng về giống loài động vật, thực vật tại khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai, các hệ sinh thái cát ven biển , rạn san hô và giống loài hải sinh khác. Các địa danh nổi bật về di sản địa chất, văn hoá và đa dạng sinh học của Phú Yên đã được biết đến như: gành Đá Đĩa, núi Đá Bia, mũi Đại Lãnh, gành Ông, gành Bà, Bãi Xép, Hòn Yến

Công viên địa chất Phú Yên sẽ được bảo tồn nguyên vẹn và khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tổng thể các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa (vật thể, phi vật thể), đa dạng sinh học.

Bài trướcThoả thuận thành lập Trung tâm nghiên cứu nhiệt đới Ba Lan – Việt Nam tại Hà Nội
Bài tiếp theoBản tin kinh tế địa chất nguyên liệu khoáng tháng 10 năm 2024