Đưa giá trị di sản công viên địa chất vươn tầm thế giới

63

Di sản địa chất có vai trò quan trọng đóng góp cho sự phát triển của kinh tế – xã hội và cộng đồng, tạo động lực phát triển ngành du lịch nhờ vào sự gia tăng số lượng du khách quốc tế, đem đến những lợi ích kinh tế và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước trên thế giới.

Sáng 11/1, tại Hà Nội, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Tiểu ban chuyên môn Công viên Địa chất toàn cầu Việt Nam năm 2020 và định hướng công tác năm 2021.

Ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản, Trưởng Tiểu ban cho biết: Trong năm 2020, Tiểu ban cùng với chuyên gia UNESCO, Ban Quản lý Công viên Địa chất (BQL CVĐC) Non nước Cao Bằng thực hiện các nhiệm vụ: “Mở rộng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng. Trên cơ sở kết quả đạt được đã xây dựng Hồ sơ mở rộng CVĐC Non nước Cao Bằng và trình UNESCO vào giữa tháng 11/2020.

TS. Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản, Trưởng Tiểu ban

phát biểu tại Hội nghị

Cùng trong chuỗi hoạt động này, Tiểu ban đã phối hợp với chuyên gia UNESCO, BQL CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn triển khai khảo sát xác định tuyến tham quan thứ 4 trên CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn (Mèo Vạc – Du Già). Đồng thời cũng đã hỗ trợ Ban Quản lý CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn xây dựng một số chiến lược về giáo dục cộng đồng; bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch; xây dựng các bảo tàng mini; xây dựng bộ mẫu đá cho các trường học.

Bên cạnh đó, Đoàn công tác của Tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam cùng chuyên gia của UNESCO đã làm việc và khảo sát sơ bộ về triển vọng xây dựng CVĐC ở một số địa phương như Phú Yên; Quảng Ngãi; Quảng Nam.

Tiểu ban cũng phối hợp BQL CVĐC Đắk Nông xây dựng Dự thảo kế hoạch quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO Đắk Nông (hiện đã hoàn thành và chờ tỉnh phê duyệt thực hiện); xây dựng đề cương nhiệm vụ khoanh vùng bảo tồn hệ thống di sản, đánh giá tiềm năng khai thác du lịch một số hang động núi lửa khu vực CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Năm 2021, Tiểu ban sẽ tập trung vào một số hoạt động chính như: tiếp tục trình Tiểu ban Khoa học Tự nhiên (Bộ KH&CN) một số đề xuất mới nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển CVĐC như các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phú Yên, Quảng Nam,… về khoanh vùng bảo tồn và đề xuất phương án phát huy giá trị di sản; về cơ cấu tổ chức và phương hướng vận hành Hội đồng DSĐC và CVĐC Quốc gia; về tai biến địa chất ở các khu vực karst đã được hoặc dự kiến sẽ được UNESCO công nhận.

Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, hỗ trợ các tỉnh Cao Bằng và Hà Giang trong việc chuẩn bị đón đoàn chuyên gia tái thẩm định của UNESCO, dự kiến tháng 7/2021 ở Cao Bằng và tháng 7/2022 ở Hà Giang. Tiếp tục cùng chuyên gia tư vấn quốc tế hỗ trợ các CVĐC Việt Nam. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực như sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Đóng góp vào báo cáo, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển cho rằng, cần phân tích rõ hơn về những khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời, để nâng cao vai trò của Tiểu ban chuyên môn, cần xây dựng phương hướng có tính khả thi và có giải pháp quyết liệt hơn. Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển nhấn mạnh đến việc thành lập Hội đồng Di sản CVĐC quốc gia là vô cùng cần thiết, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

Ghi nhận những góp ý sát sao của các thành viên Tiểu ban trong việc hoàn thiện hơn báo cáo tổng kết, quy chế và phương thức hoạt động, ông Trịnh Hải Sơn cho biết, Tiểu ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và các địa phương. Tiểu ban sẽ tham mưu cho Chính phủ thành lập Hội đồng Di sản địa chất quốc gia nhằm hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Mạng lưới CVĐC Việt Nam. Xây dựng và ban hành bộ tiêu chí quay trình công nhận các di sản CVĐC Quốc gia. Xây dựng Logo và trang web chính thức của Mạng lưới CVĐC Việt Nam.

Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/dua-gia-tri-di-san-cong-vien-dia-chat-vuon-tam-the-gioi-319145.html

Bài trướcHội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021
Bài tiếp theoHội nghị tổng kết hoạt động khoa học công nghệ năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021