Phòng Địa hóa và Môi trường được thành lập từ năm 1965, với tên Bộ môn Địa hóa, thuộc Đoàn Nghiên cứu Địa chất 45 (tiền thân của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản). Cuối những năm 60 đầu 70 thế kỷ XX, Bộ môn Địa hoá đã tiến hành triển khai nhiều công trình hiệu nghiệm phương pháp trên một số đối tượng khoáng sản cụ thể, để từ đó rút ra những quy trình công nghệ lấy mẫu phù hợp. Kết quả được tổng hợp trong công trình “Ứng nghiệm phương pháp địa hoá tìm kiếm mỏ ở Miền Bắc Việt Nam (1971)”. Tiếp đó là một loạt các công trình áp dụng phương pháp địa hoá tìm kiếm các loại khoáng sản kim loại trên nhiều vùng lãnh thổ có cảnh quan khác nhau, đã phát hiện nhiều dị thường quặng có giá trị, góp phần đánh giá được quy mô và triển vọng nhiều vùng quặng như các bản đồ địa hóa tỷ lệ nhỏ (1: 1.000.000, 1: 500.000).
Đúc kết các kết quả thực tế thu được, Phòng đã biên soạn được quy chế “Hướng dẫn phương pháp địa hoá tìm kiếm mỏ (1973)” và “Quy phạm về các phương pháp địa hoá trong công tác đo vẽ bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản rắn (1973)”, sau được bổ sung biên soạn lại vào các năm 1987 và 1996 thay cho Quy chế địa hoá tìm kiếm của Bộ Địa chất Liên Xô trước đó. Đây là một tài liệu quan trọng đối với các cán bộ nghiên cứu địa hoá Việt Nam, đồng thời giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo việc áp dụng phương pháp địa hoá thống nhất trong toàn ngành.
Từ năm 2000 đến nay, các công trình nghiên cứu về tính chuyên hóa địa hóa; nghiên cứu các mô hình dị thường địa hóa; mô hình thành tạo quặng đã hướng đến áp dụng những nghiên cứu địa hóa để đánh giá tiềm năng khoáng sản ẩn.
Ngoài ra, phương pháp địa hóa còn được Phòng ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu địa chất môi trường. Các công trình nghiên cứu địa hoá đi vào hướng tìm hiểu quá trình tác động của các nguyên tố hoá học trong môi trường tự nhiên ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi, các sinh vật khác và đặc biệt là đời sống con người trong chuỗi dinh dưỡng sinh địa hóa.
Phòng tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các phương pháp thạch địa hoá, thủy địa hóa và sinh địa hóa một cách hệ thống để phục vụ công tác tìm kiếm khoáng sản nói chung và khoáng sản ẩn sâu. Xây dựng cơ sở dữ liệu địa hóa toàn quốc phục vụ đa ngành: nghiên cứu mô hình mỏ; áp dụng phân vùng sử dụng đất theo môi trường địa chất – địa hóa, phân vùng môi trường địa chất bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt xác lập các chỉ số địa hóa của đá gốc và đất… phục vụ phân vùng dự báo bệnh địa phương.
Vị trí và chức năng
Phòng Địa hóa và Môi trường thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, có chức năng tổ chức triển khai thực hiện và quản lý chất lượng các nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu về Địa hóa, Địa chất môi trường và Địa chất y học.
Nhiệm vụ và Quyền hạn
1.Đề xuất, xây dựng, tổ chức, hợp tác thực hiện, tham gia thẩm định các đề tài, đề án, dự án nghiên cứu thuộc chuyên ngành Địa hóa, Địa chất môi trường và Địa chất y học.
2. Nghiên cứu chuyên ngành địa hoá phục vụ công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản, dự báo quặng ẩn và ẩn sâu, luận giải các kiểu mỏ. Đồng thời, tích hợp và xử lý dữ liệu địa hóa trong điều tra, nghiên cứu tìm kiếm khoáng sản theo hướng liên ngành.
3. Nghiên cứu, đánh giá ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ giám sát chất lượng môi trường, đánh giá tác động môi trường, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí, cảnh quan và sinh thái.
4. Nghiên cứu những yếu tố địa chất môi trường liên quan tới sức khỏe con người, động vật, sự phát triển và chất lượng của cây trồng; dự báo những tiềm ẩn bệnh địa phương liên quan đến nền địa chất; đề xuất các biện pháp chế ngự những tác động xấu, tận dụng những yếu tố thuận lợi của môi trường địa chất nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, góp phần quy hoạch hợp lý không gian nền địa chất trong phát triển bền vững kinh tế – xã hội, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
5.Tư vấn, tham gia và xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nghiên cứu cơ bản về Địa hóa, Địa chất môi trường và Địa chất y học.
6. Tham gia cung cấp các dịch vụ khoa học, công nghệ về địa chất và khoáng sản; hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chuyên ngành với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
7. Tham gia đào tạo Sau đại học, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, hợp tác quốc tế về Địa hóa, Địa chất môi trường và Địa chất y học.
8. Quản lý tổ chức, vị trí việc làm, viên chức và người lao động thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng và tài sản thuộc phạm vi quản lý của đơn vị theo phân công của Viện trưởng và quy định của pháp luật.
9. Thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.
10. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Viện trưởng giao.
Lãnh đạo phòng đương nhiệm:
TS. Nguyễn Văn Niệm
Trưởng phòng
Email: niemnv78@gmail.com
ThS: Bùi Hữu Việt
Phó Trưởng phòng
Email: vietbuihuu@yahoo.com